(Baonghean.vn) -Nghệ An có trên 3 triệu dân, số trong độ tuổi lao động chiếm 67% nhưng lao động được qua đào tạo nghề mới đạt 33%. Riêng lao động có trình độ kỹ thuật chỉ đạt 5,5%.

 

Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 62 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường đại học, 8 trường cao đẳng và 14 trường trung cấp nghề, 33 trung tâm dạy nghề và 4 cơ sở khác có đào tạo nghề. Đây là kết quả đạt được của tỉnh sau nhiều năm nỗ lực xây dựng Nghệ An thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước. Nhờ đó, cơ cấu nghề đào tạo đã có sự chuyển đổi và mở rộng đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu của thị trường lao động. Một số ngành nghề bước đầu đã đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật ngoại tỉnh, xuất khẩu lao động. Cũng trên cơ sở phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở dạy nghề và đầu tư tăng năng lực đào tạo, đến cuối năm 2011 với 13.500 công nhân kỹ thuật số lao động được đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng nghề tăng gần 2,5 lần so với năm 2005.

  Đào tạo công nhân kỹ thuật cao: Cần cân đối giữa đào tạo và sử dụng ảnh 1Lao động đang làm việc tại công ty cửa cuốn Aust door – khu công nghiệp Nghi Phú

Điều đáng mừng, trong số những học viên đã tốt nghiệp, tỷ lệ người tìm được việc làm đạt gần 95% và có đến 15.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Tại những trường như Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh… nhiều năm nay trở thành “địa chỉ đỏ” cho các công ty nước ngoài, khu chế xuất công nghiệp khi có nhu cầu tuyển lao động. Nhiều khóa học, học viên vừa tốt nghiệp đã có công ty đến tuyển dụng ngay tại trường.

 

Với những kết quả trên cho thấy tiềm năng lao động và tiềm năng để trở thành thị trường lao động có trình độ cao của Nghệ An là rất lớn, đây cũng là cơ hội để chúng ta giải quyết được tình trạng thất nghiệp còn khá nhiều hiện nay. Tuy nhiên, kết quả đạo tạo công nhân kỹ thuật cao hiện nay của tỉnh mới chỉ đat 80,58% chỉ tiêu đã đề ra, còn 5/9 nhóm ngành nghề chưa đạt chỉ tiêu, gồm: kĩ thuật nông nghiệp, công nghệ thông tin, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí. Bên cạnh đó, một số ngành lao động kĩ thuật xi măng, vật liệu xây dựng, thủy điện, bia, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa, những ngành đang cần để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như của thị trường lao động cũng chưa được các trường quan tâm. Hiện tại, phần lớn các cơ sở đào tạo vẫn còn tình trạng đào tạo theo năng lực của cơ sở mà chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường, cơ cấu trình độ đào tạo chưa phù hợp, thiếu cân đối giữa đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề với đào tạo sơ cấp nghề. Bên cạnh đó chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chậm đổi mới để thích ứng với công nghệ và thực tế sản xuất, nội dung chương trình nặng về lý thuyết, kĩ năng thực hành còn hạn chế.

 

Theo đại diện của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, sở dĩ có sự bất cập này là do những năm qua việc dự báo chỉ tiêu đào tạo chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến tình trạng ngành thừa, ngành thiếu. Việc đào tạo cũng khó đạt chất lượng cao do cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở đào tạo nghề chưa phù hợp và đồng bộ để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và đòi hỏi của thị trường lao động. Ngoài ra, việc học nghề công nhân kĩ thuật cao chưa thu hút được đông đảo người theo học bởi đại đa số thanh niên đã tốt nghiệp trung học cơ sở còn có tâm lý sính bằng cấp, ít người lựa chọn học nghề nên việc tuyển sinh ngay từ đầu vào đã gặp nhiều khó khăn.

 

Hơn thế nữa, do mỗi quan hệ phối hợp cung cấp thông tin cung - cầu lao động và liên kết đào tạo, sử dụng công nhân kỹ thuật giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp chưa đồng bộ và hiệu quả nên nhiều người còn tâm lý e ngại không xin được việc làm sau khi học. Riêng tại thị trường lao động Nghệ An, cơ hội xin việc làm tại các khu công nghiệp còn khó khăn do các doanh nghiệp chưa mặn mà với công nhân kỹ thuật cao, đại đa số cơ hội việc làm của học viên ra trường sau khi tốt nghiệp đều ở các tỉnh phía Nam.

 

Trước thực tế trên, để đảm bảo việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong toàn tỉnh theo hướng giảm lao động trong ngành nông lâm ngư nghiệp và tăng dần lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cho thời gian tới. Trong đó, với chỉ tiêu đến năm 2015 có 416.000 người lao động được đào tạo, riêng công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp cấp nghề và cao đẳng nghề là 85.000 người, chú trọng tăng cường năng lực, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Dự kiến đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 70 cơ sở đào tạo nghề, phát triển cơ sở đào tạo theo hướng xã hội hóa, ưu tiên khuyến khích các doan nghiệp, tập đoàn kinh tế xây dựng cơ sở đào tạo trong một số lĩnh vực như dầu khí, điện tử, viễn thông, vận hành máy thủy điện, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa; bố trí quỹ đất để đáp ứng đủ diện tích theo quy định cho các trường, quy hoạch mở rộng đảm bảo để các trường có thể nâng cấp lên cao đẳng nghề; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất sử dụng thiệt bị công nghệ vào hoạt động giảng dạy và thực tập nghề công nhân kĩ thuật tiểu thủ công nghiệp… Để người lao động yên tâm khi chọn nghề, tỉnh cần có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng công nhân kĩ thuật sau đào tạo, trong đó đẩy mạnh phát triển khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp ở các vùng, các huyện, thành thị để thu hút lao động; xác định nhu cầu lao động cần bổ sung cho các ngành nghề cụ thể để xây dựng kế hoạch tuyển sinh hàng năm, đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Đối với người học nghề, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh là đối tượng chính sách, người nghèo và những học sinh đạt thành tích học xuất sắc…

Mỹ Hà