Như thường lệ, Bình Định sẽ là đội phải lo tuyển binh sớm nhất bởi quá nửa đội hình chính đã đưa họ lên ngôi vô địch hạng nhất là đi mượn, nhiều nhất là Viettel 5 cầu thủ. Nhưng họ vẫn phải chờ khoản ngân sách 100 tỷ đồng của nhà tài trợ Hưng Thịnh và cái gật đầu đồng ý của HLV Đức Thắng. Quả thực, nếu không nhanh tay đầu tư mua sắm thì Bình Định khó lòng mà có cầu thủ đảm đương mùa giải  V.League sắp tới.

Kẻ bán thì ít, mua thì nhiều

Bầu Đệ sau khi giành hết sức lực cho cuộc chiến trụ hạng đã biết mình nên đứng đâu thì phù hợp. Thực tế, ông càng lùi xa cabin kỹ thuật thì thành tích đội bóng càng tốt hơn. Trước khi mua cầu thủ mới, Thanh Hóa đã chính thức chia tay với 2 ngoại binh Josip Balic và Gassissou, những cầu thủ kém cả tư duy lẫn kỹ thuật chơi bóng. Trong khi đó, trung vệ Loius Epassi, tiền đạo Hoàng Vũ Samson, cầu thủ trẻ Lê Phạm Thành Long được xem là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất trong màu áo của CLB Thanh Hóa mùa giải vừa qua đã được tái ký.

anh_1733008_5112020.jpgSLNA đã xong bộ khung ngoại binh V.League 2021. Ảnh: VPF

Khác với mọi năm, do dịch Covid-19 nên SLNA sẽ tái ký các ngoại binh đang thi đấu thêm 1 năm, bao gồm Gustavo Santos, Filippe Martins và Peter Samuel. Ngoài ra, trung vệ Văn Khánh đã được tái ký, còn Tuấn Tài muốn rời sân Vinh đầu quân với HLV Lê Huỳnh Đức để mơ ngày lên tuyển. Thủ môn Văn Hoàng chắc phải chờ thêm một thời gian nữa quyết định bến đậu của mình.

Rafaelson đã về Đà Nẵng khi Nam Định không đủ tiền để giữ chân cầu thủ Brazil này. Đội bóng này đang là nhân vật chính của cuốn phim “Trụ hạng V.League” 3 năm nay vẫn phải chờ kinh phí và theo thông lệ phải gần đến mùa giải khai mạc mới chốt quân. Nhiều khả năng Thiago, Tony Agbaji sẽ được giữ lại trong khi Đỗ Merlo vẫn bỏ ngỏ khả năng gắn bó với đội bóng Thành Nam do vấn đề tuổi tác.

Nếu vẫn lối đá cắc-bùm từ cánh vào khu vực 16,5m mà không có nhân sự phù hợp thì khán giả Thành Nam lại nơm nớp nỗi lo mang tên “trụ hạng” từ bây giờ.

Ngổn ngang nỗi lo

Không chỉ cầu thủ mà khá nhiều nhà cầm quân khó lòng mà trụ lại khi V.League 2020 khép lại. Đầu tiên, phải kể đến BHL HAGL phiên bản Văn Đàn và Minh Ninh đã cho thấy lỗ hổng quá lớn trong năng lực chuyên môn. HAGL đã để thủng lưới 21 bàn, sau 7 trận cầm quân bộ đôi này chỉ có 1 trận thắng ở vòng 13 và trắng tay cả 6 trận lượt về, một thành tích quá tệ.

Phải đến khi có ông thầy mới thì đội bóng phố Núi mới tính đến việc chuẩn bị nhân sự của mùa bóng sau. Không hiểu bao giờ thì đội quân của bầu Đức mới chịu đá thật khi mà họ đang có chuỗi trận thua sấp mặt.

HLV Chung và TP.HCM vừa có một mùa giải thất bại. Ảnh CLB

Trong khi đó, TP.HCM đang “phú quý sinh giật lùi”, Á quân đã tụt thảm hại. Chung Hae-soung chính là mắt xích yếu nhất của đội bóng này và có lẽ ông thầy Hàn Quốc khó lòng trụ lại đội bóng này khi đã tiêu không biết bao nhiêu tiền cho đội bóng thủ đô. “Nhà giàu cũng khóc” chính là tình cảnh của Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng lúc này, nhất là khi họ đã thua cả 4 lần đụng độ đội bóng Hà Nội FC. Phải thay đổi, nhưng bắt đầu từ đâu và làm như thế nào lại là điều không dễ?.

Hải Phòng cũng có một mùa bóng đáng quên. Sau khi 3 cầu thủ Quảng Ninh được rút về thì Chủ tịch CLB đội bóng đất Cảng sẽ phải ngắm rất lâu từng khuôn mặt cả thầy lẫn trò của đội bóng này. Bởi sau khi Quảng Nam xuống hạng thì Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định và tân binh Bình Định được cho là 4 đội sẽ nằm trong tốp 6 tính từ cuối lên của mùa giải năm sau.

Rồi đây, Nam Định, Hải Phòng, SLNA và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng như tân binh Bình Định còn phải đối diện với chuẩn bóng đá chuyên nghiệp AFC sau khi 4 đội bóng đã “nợ chuẩn” tại V.League 2020.