(Baonghean) -Ngồi giữa các nhà khoa học về dự cuộc gặp mặt đầu Xuân 2013 với quê hương Nghệ An, GS. TS Văn Như Cương là người nổi trội nhất, thu hút ống kính quay phim, chụp ảnh của các phóng viên. Ở tuổi 75, giáo sư vẫn rất tráng kiện, vầng trán cao, đôi mắt sáng nhân từ, bộ râu dài, trắng như cước…Mỗi lần gặp ông, tôi lại nhớ về câu chuyện: “Râu ria rậm rạp rất rầy rà”. Chẳng là năm 1957, tròn 20 tuổi, với thành tích học tập tối ưu, ông được Trường ĐHSP Hà Nội giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Toán, được cử đi Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh. Năm 1959, với tấm bằng đỏ Phó Tiến sĩ và bộ râu rậm rạp ông trở về Tổ quốc, cũng là lúc Trường ĐHSP Vinh quê ông được thành lập, ông viết đơn xung phong về đó.Những năm tháng ở Trường ĐHSP Vinh, dẫu đi lại, nói năng, ứng xử, công việc rất nghiêm túc, luôn là giáo viên dạy giỏi, được sinh viên yêu mến, luôn là cán bộ giảng dạy trẻ say sưa nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình được ứng dụng thực tiễn, nhiều đầu sách được xuất bản, ông vẫn không hề được tăng một bậc lương nào! Lý do, vì bộ râu?! Thủa ấy, công chức miền Bắc chưa ai để râu và cũng vì thế lần lượt từ tổ trưởng bộ môn, tổ trưởng công đoàn, Ban giám hiệu … mời ông lên gặp, khuyên nhủ và thậm chí răn đe ông phải cạo bộ râu đó đi! Ông chẳng nghe ai, vì không ai giải thích được cho ông vì sao để râu là không mô phạm? Mười năm, không được tăng lương, cực chẳng đã ông phải gửi thư lên tận Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Bộ trưởng can thiệp, ông mới được tăng một bậc lương! Kể lại chuyện những năm “Tiến sĩ Toán nuôi lợn, lợn nuôi tiến sĩ Toán đến trường”, giáo sư cười hóm hỉnh: “Lương” không tăng, nhưng “lượng” tăng nhiều!

Đạo làm thầy của nhà giáo Văn Như Cương ảnh 1

GS. TS Văn Như Cương

Theo ông “lượng” tăng nhiều vì 15 năm gắn bó với Trường ĐHSP Vinh là những tháng ngày đẹp nhất. Đạn bom, thầy trò gồng gánh giáo trình ra miền Tây Thanh Hóa, rồi lại về Quỳnh Lưu … cuộc sộng vật chất tuy gian khổ nhưng tình nghĩa thầy trò sâu nặng, thầy “dạy thật”, trò “học thật”. Dạy thật, học thật nên chất lượng những giáo viên được nhà trường đào tạo thời ấy có ánh thép rõ ràng. Thương hiệu ĐHSP Vinh thời ấy ngang ngửa với ĐHSP Hà Nội. Chắt chiu thành công, thất bại, hạnh phúc, gian nan của 15 năm ấy đã để lại trong ông một minh triết cho đạo làm thầy, đó là “Dạy thật, học thật”! Chất lượng của một nền giáo dục theo giáo sư, cũng bắt nguồn từ bốn chữ đó. Đạo làm thầy chỉ “Dạy thật” khi thật yêu nghề, yêu người, luôn luôn cắn rứt trong lòng về sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng sư phạm. Nếu một người thầy không thấy được sự “luôn luôn thiếu hụt” ấy, làm sao có động lực để tự giác, tự chủ say mê học tập thêm. Càng “dạy thật”, họ càng tìm ra nhiều điều mới lạ trong đời sống, nhiều con đường đưa kiến thức đến với học trò. Quá trình đó chính là sự khởi thủy và phát triển của các ý tưởng khoa học giáo dục từ thực tiễn sư phạm mà mình trải nghiệm. Vẫn phong cách trào lộng, hóm hỉnh rất Đồ Nghệ, giáo sư nói với chúng tôi: “Học thật” không thành “Học giả” (Lối học trang trí, để thăng quan tiến chức)! “Học thật” sẽ  tạo ra “thức giả” thật!Nhiều lần trao đổi tâm tình với học trò, đồng nghiệp, phụ huynh Giáo sư đều  nói lên mối quan hệ biện chứng giữa “Dạy thật, học thật” trong đạo làm thầy và “Học thật” trong đạo làm người. Buồn vì do tác động của cơ chế thị trường, động cơ, mục tiêu học tập của không ít học sinh hiện nay có phần lệch lạc, Giáo sư vẫn cho rằng điều đó lỗi đầu tiên là ở “Sư” và “Phụ” (thầy cô và cha mẹ). Thầy, cô giáo và cha mẹ định hướng sai, tổ chức phương pháp học tập cho các em sai là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc ở các em. Bởi các em vốn là tờ giấy trắng khi đến trường. Theo giáo sư, một học sinh chỉ “Học thật” khi xác định được mục tiêu học tập của mình là để làm người, và nếu với mục tiêu đó canh cánh bên lòng, học sinh sẽ luôn trăn trở cùng thầy cô tìm ra phương pháp học tập thích hợp cho mình. Có chương trình học tập, rèn luyện nghiêm túc sẽ góp phần xây dựng được phong trào “Học thật” trong trường, trong lớp, trong từng giờ giảng và trong từng phút giây tự học ở nhà.

Thầy Văn Như Cương đứng lớp tại Trường THPT Lương Thế Vinh.

 Ảnh: Internet

Nhắc đến khẩu hiệu hành động của học sinh nhiều nước trên thế giới bây giờ là “Học để biết, học để làm, học để sống, học để chung sống, học để sáng tạo” theo giáo sư, đó là một chương trình hành động sư phạm cập nhật với những yêu cầu xây dựng con người mới hiện nay. Giáo sư cũng rất buồn khi trường học nào cũng có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đặt ở trên cao, trang trọng, nhưng trắc nghiệm thầy cô cho đến học sinh chẳng ai hiểu được đầy đủ cốt lõi ý nghĩa  của câu đó! GS Văn Như Cương chân thành: “Lê Nin đã nói lâu rồi, “Học! Học nữa, học mãi”. Vậy thì “Dạy thật, học thật” cũng chỉ là sự cụ thể hóa lời vĩ nhân vào trong một môi trường cụ thể, môi trường sư phạm mà thôi!”.Có lẽ vì sự trăn trở này mà ngay sau khi về hưu giáo sư đã cùng một số đồng nghiệp tâm huyết với nghề, với người mở Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên, ông lại tiếp tục sự nghiệp “Dạy thật” của mình và đã gặt hái không ít thành công ở ngôi trường này. Thực tiễn ở Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đã giúp ông hoàn thành thêm hàng chục công trình nghiên cứu mới. Và có lẽ cùng vì sự trăn trở với “Dạy thật, học thật” mà dẫu ở Hà Nội, ông vẫn kiêm chức Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Hàng năm, không quản tuổi tác, đường sá xa xôi ông lại lăn lội về quê nhà để truyền đạo “Dạy thật, học thật”.55 năm theo đạo làm thầy GS Văn Như Cương là một chiến sỹ trên mặt trận giáo dục, thủy chung và tận tụy, năng động và sáng tạo, tất cả vì học sinh thân yêu. Châm ngôn “Dạy thật, học thật” rút ra từ hơn nửa thế kỷ làm bạn cùng phấn trắng, bảng đen, cùng học sinh đã làm ông quên đi bao thác ghềnh, tuổi tác, để còn sức còn cống hiến!

Nguyễn Khắc Thuần (TP. Vinh)