Rõ ràng, với một đề tại nhạy cảm, như sex chẳng hạn nhưng không có nghĩa là làm ra phim sẽ phản cảm. Cũng vậy, việc phát hành phim trên mạng Internet, cụ thể là YouTube là khá tự do nhưng không đồng nghĩa với tự tiện! Không phải muốn phổ biến nội dung gì cũng được, nhất là với những người nhân danh là người làm nghệ thuật. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có cuộc trao đổi với PV về vấn đề này.
 
YouTube có mặt trái, mặt phải!
 
PV: Anh nghĩ gì về xu hướng làm phim phát hành trên YouTube?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Về nghề, đó là một kênh thông tin mở để tạo điều kiện cho các bạn trẻ tự giới thiệu, quảng bá mình. Trong việc sản xuất phim, muốn chiếu phim của mình thì có mấy loại hình có thể lựa chọn, như chiếu rạp, chiếu tivi nhưng hai hình thức này là quá khó so với nhiều người trẻ vì nó chỉ dành cho những người chuyên nghiệp. Ngày xưa, người làm phim còn có thể in băng, đĩa để giới thiệu, để chiếu ở những rạp nhỏ, những môi trường nhỏ như trường học chẳng hạn.
 
Nhưng bây giờ thì không còn hình thức đó nhưng đổi lại có Internet, có YouTube làm mọi người gần nhau hơn, người đi tìm thông tin cũng dễ hơn. Theo tôi, đứng về mặt thông tin tự do, YouTube là một kênh phát hành khá tốt, chất lượng của YouTube bây giờ cũng cao hơn. Huống gì ở hiện tại, trên YouTube có cách là trả tiền cho đối tác theo lượt view, thu tiền từ quảng cáo.
 
Nhưng dĩ nhiên, cái gì cũng có mặt này, mặt kia. Thật ra, công cụ không có lỗi gì cả, điều quan trọng là người sử dụng công cụ đó như thế nào.
 
images1009367_nguyen_quang_dung.jpgĐạo diễn Nguyễn Quang Dũng
 
PV:Mặt trái của việc phát hành trên YouTube mà anh vừa nói có phải là vấn đề không kiểm soát được nội dung phim đăng tải trên đó, thưa anh?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Thật ra YouTube hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung. Hệ thống kiểm duyệt của YouTube rất tốt, họ làm rất kỹ. Chẳng hạn như với những clip có những cảnh quá bạo lực, quá phản cảm thì YouTube sẽ có thông báo kiểm duyệt. Tất nhiên, việc kiểm duyệt này có thể sẽ thoải mái hơn yêu cầu của các quốc gia khác như Việt Nam, biên độ kiểm duyệt rộng hơn vì đó là kênh dành cho cả thế giới. YouTube cũng siết chặt vấn đề bản quyền, trước tiên là để không bị kiện. Như phim của tôi, cũng bị người ta lén đưa lên youTube nhưng ngay sau khi nhà phát hành phim thông báo với YouTube, họ đã gỡ các clip đó ngay. Có thể nói, YouTube cũng có những mặt trái.
 
Thứ nhất là, cái gì cũng “quăng” lên YouTube được, thượng vàng hạ cám, hệt như một cái chợ trời. Vì thế đòi hỏi người xem phải ý thức được và lựa chọn cái gì tốt để xem.
 
Thứ hai là, do kinh doanh bằng hình thức câu view, nhà sản xuất sẽ sản xuất những phim để thu hút nhiều người xem bằng cách cố tình làm cho sốc. Thực tế là có nhiều người hám lợi quá nên sẽ làm những điều không tốt, không thật, khơi gợi những điều không hay để đưa lên mạng.
 
PV:Thưa anh, YouTube cũng là kênh để một số người “né” cơ quan kiểm duyệt, để tự do phát hành những phim, những MV mà nội dung không qua được cửa kiểm duyệt để chiếu trên những kênh chính thống. Như vậy, hẳn chúng ta phải có một biện pháp quản lý việc này, nhất là từ vụ ồn ào của “Căn hộ số 69”?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Về vấn đề đó, quan trọng là nhà quản lý ở Việt Nam phải có luật. Dĩ nhiên, có những sản phẩm đăng tải trên YouTube thì họ không sai, nhưng với luật Việt Nam thì sai nên chúng ta phải có luật, phải kết nối với YouTube. Những người quản lý của Việt Nam phải kết nối với YouTube để có kênh YouTube ở Việt Nam thì sẽ hạn chế hơn những cảnh nhạy cảm hay những phim liên quan về chính trị chẳng hạn. Hoặc đơn giản hơn là khi có bất kỳ vấn đề gì, chỉ cần liên hệ với YouTube thì clip, phim đó sẽ bị gỡ xuống ngay.
 
Vấn đề hiện nay là do nhà quản lý của chúng ta đã để việc quản lý trên YouTube trôi nổi quá lâu nên nhiều người cứ tự do phổ biến những gì họ muốn trên đó. Những người quản lý có thể liên kết với YouTube về vấn đề quản lý với nhau, còn dĩ nhiên, người dân thì luôn khao khát tự do.
 
PV:Những phim dung tục, phản cảm như sex, sốc, hay bạo lực đẫm máu được chiếu rộng rãi trên YouTube thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến công chúng, nhất là những công chúng trẻ bởi dẫu có gắn mác là 16+ hay 18+ thì cũng không thể nào kiểm soát được?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Thật ra, YouTube quản lý khá tốt. Những phim có cảnh sex hay bạo lực quá mức không có trên YouTube. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt cũng phải có thời gian, nên khi mới được đăng tải trên YouTube, sẽ có những người xem được và tải về máy hay bàn tán xôn xao… Nhưng suy cho cùng thì nhiệm vụ của công nghệ là càng ngày càng tạo điều kiện cho mọi người hoạt động dễ dàng hơn, kéo mọi người gần nhau hơn. Và tất nhiên, do đó việc truy tìm nguồn gốc những gì quá nguy hại cũng dễ dàng, chỉ có là vấn đề chưa đáng để làm mà thôi.
 
PV:Nhưng nói đi thì cũng nói lại, những kênh phát hành qua mạng như YouTube rất hữu ích cho những người làm phim trẻ giới thiệu sản phẩm của mình một cách dễ dàng. Kế đến đó cũng là một kênh phát hành hoàn toàn có thể thu lợi nhuận từ lượt xem, từ quảng cáo như bao kênh chính thống khác. Vì thế vấn đề đặt ra là việc phối hợp quản lý nội dung?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Rõ ràng rằng đây là một kênh rất hữu ích cho thẩm mỹ của các bạn trẻ. Thẩm mỹ của thế hệ trẻ sẽ gần hơn với thế giới. Các bạn trẻ có thể lên đó xem các clip, các phim ngắn, xem tất cả mọi thứ được quay lại trên toàn thế giới. Ngày xưa, chúng tôi không có cơ hội xem các phim ngắn nước ngoài, chỉ xem những phim dài được phát hành băng, đĩa. Bây giờ các bạn có thể học và chia sẻ trên YouTube rất dễ dàng. Đó cũng là một kênh phát hành phim.
 
Có một điều khó khăn là trên YouTube, trừ chuyện câu view không vì mục đích gì, chỉ là chơi cho vui, thì khi muốn kiếm tiền thì phải đăng ký với nhà quản lý YouTube. Nếu thực sự muốn kinh doanh, muốn thu tiền thì không thể “làm lậu” được. Với những người đã đăng ký kinh doanh thì chính quyền rất dễ truy ra, nên nếu để kiếm tiền thật sự thì cũng phải làm việc hết sức đàng hoàng, nghiêm túc.
 
Vấn đề là hệ thông quản lý, kiểm duyệt của chúng ta có thể chưa đi kịp với công nghệ của thế giới và cả người dân đang sử dụng YouTube cũng chưa thật sự tốt nên mọi người đang hơi hoang mang. Cách đây vài năm thì vấn đề quản lý là khó, nhưng khi đó dân chúng cũng chưa sử dụng kênh này nhiều. Dĩ nhiên, sự phát triển nào cũng sẽ kéo theo sự quản lý phù hợp để đáp ứng với những phát triển đó.
 
PV: Với những người làm nghệ thuật thật sự dù làm phim chiếu ở rạp, trên tivi hay trên YouTube thì đều phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Còn với những người làm để câu khách bằng những chiêu trò phản cảm thì cũng nên quyết liệt loại bỏ những sản phẩm đó. Anh nghĩ sao?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Người làm chuyên nghiệp là người phải kinh doanh được bằng nghề nghiệp của mình. Rạp chiếu phim hay đài truyền hình là nơi người làm phim bán phim, thu tiền bằng công sức bỏ ra rất rõ ràng. Hiện nay YouTube chưa có sự thu tiền rõ ràng. Nhưng theo tôi nghĩ, đến một ngày nào đó, công nghệ thay đổi nhanh, YouTube có thể kiếm tiền được, mà còn là kiếm tiền rất tốt. Cho đến kiếm được nhiều tiền thì những người làm phim chiếu trên YouTube cũng sẽ trở thành những người làm phim chuyên nghiệp. Đó chỉ là sự thay đổi hệ thống phát hành mà thôi.
 
Ngày xưa, chúng ta thấy sách trên Internet, trên web là không chuyên nghiệp do không bán được, nhưng bây giờ ebook là chuyên nghiệp. Có thể ebook không thay thế hoàn toàn sách in, nhưng nó có thể cân bằng và thậm chí lấn lướt. Thời đại thay đổi, công nghệ phát triển nên sự chuyên nghiệp phải được nhìn nhận ở góc độ khác. Bản chất của chuyên nghiệp là kiếm được tiền.
 
“Căn hộ số 69” - bộ phim vi phạm Luật Điện ảnh bị dư luận lên án đã bị xóa sổ
 
Tôi nghĩ, có một ngày nào đó, đường truyền Internet đủ mạnh để xem một bộ phim chất lượng như ở rạp, người dân đủ điều kiện mua sắm phòng chiếu ở nhà thì lúc đó người kinh doanh buộc phải tìm cách kinh doanh trên Internet như bằng quảng cáo, bằng cách trả phí.
 
“Câu khách” là cần thiết!
 
PV: Anh nghĩ gì về việc đưa cảnh nóng vào trong phim? Tôi thấy nhiều phim Việt gần đây, phim nào cũng có cảnh nóng, rồi có phim còn gắn mác 16+, 18+ như là một “gia vị” không thể thiếu!
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Thực ra cảnh nóng trong phim là chuyện rất bình thường. Phim là cảm xúc, bạo lực hay tình cảm, hay hài cũng là tạo ra cho người ta cảm xúc, để người ta cười, hay sợ, hay ham muốn… Tình dục là đề tài bất hủ trên thế giới, không bao giờ cũ, không bao giờ chết. Con người luôn luôn thắc mắc về đề tài này. Đa phần các phim nghệ thuật đều nói về vấn đề này, vì nó dễ tranh cãi, dễ cảm xúc và là đề tài rất con người, là bản năng của con người. Đó là về chiều sâu của đề tài. Về bề nổi, một bộ phim cũng như một món ăn cần có gia vị, những cảnh nóng phụ trợ cho phim giống như cho thêm chút ớt vào món ăn. Nhưng có những phim có muốn đưa cảnh nóng vào cũng không thể, như những phim thiếu nhi, trẻ con đâu có thích ăn ớt, do đó chắc chắn người nấu ăn sẽ không bỏ ớt vào. Vấn đề là đối tượng người xem của phim là gì!
 
PV:Để làm được một phim về đề tài nhạy cảm, như tình dục cho thực sự ấn tượng là rất khó?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Những đề tài nhạy cảm thường rất khó thực hiện, giống như chụp ảnh khỏa thân. Trừ những người đặc biệt, còn ai làm nghệ thuật cũng có tâm muốn mang đến những điều đẹp, điều hay, không ai muốn làm chuyện bậy bạ, nhưng nhiều khi khả năng không tới. Cũng người nhiếp ảnh đó, cô mẫu đó, vẫn ở góc đó, ý đồ đó nhưng nếu có tài năng thì tấm hình chụp ra sẽ rất đẹp, còn nếu không có tài năng thì trở thành bậy bạ. Ở Việt Nam thì càng khó. Bởi chuyện kiểm duyệt khó, mà cái gì không làm quen thì không bao giờ lên tay. Và bản thân tôi cực sợ quay cảnh nóng vì rất khó quay.
 
PV: Việc lạm dụng cảnh nóng để câu khách, để tạo dư luận thì không nên, đúng không anh? Vì khi đó cảnh nóng sẽ trở thành cảnh sống sượng, gượng ép không đem lại hiệu quả gì cho phim.
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tất cả đều phụ thuộc vào người xem. Phim cũng giống như một mặt hàng nhưng hiện nay, người ta gọi từ “câu khách” là hơi coi thường. Nhưng muốn bán cái gì thì cũng phải câu khách. Tuy nhiên, nếu câu khách ở mức độ giống sản phẩm thì người mua sẽ không bỏ đi, còn câu khách theo kiểu không liên quan thì dĩ nhiên, người ta sẽ thấy khó chịu, không đi xem nữa. Mọi thứ đều có ảnh hưởng đến sau này. Anh có thể lấy của người ta trước mắt được một, hai đồng từ chuyện câu khách láo, nhưng sau đó anh sẽ mất nhiều đồng hơn.
 
Câu khách là cần thiết. Chúng ta phải xác định phim là một thứ hàng hóa, đừng nghĩ nó là thứ gì ghê gớm!
 
PV:Vậy hẳn là anh rất hài lòng với những bộ phim anh làm ra, bởi dù nó có bị chê khá nhiều, gần nhất là “Mỹ Nhân kế” nhưng nó bán rất đắt, toàn lãi to?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi không phải là người quá tài giỏi nên dĩ nhiên không phải thứ gì mình làm ra cũng hay. Mà trong đó có hay, có dở, có thứ làm được, có thứ làm không được. Ai cũng vậy thôi. Mình cảm thấy không hối tiếc những gì mình làm. Mình biết xác định mục đích rõ ràng, làm hết sức và điều kiện, có rút kinh nghiệm cho những lần sau. Một cách khách quan, không thể nào nói rằng mình không hài lòng, nhưng ở bên trong thì mình biết mình làm được gì, mình chưa làm được gì.
 
PV: Khi làm một bộ phim, anh cân nhắc tỷ lệ thị hiếu và nghệ thuật như thế nào?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi không có biên độ nào về nghệ thuật hay thị hiếu, mà có những phần trăm gọi là cái tôi của mình ở trong đó. Mình rất muốn làm những phim, những chi tiết mình thích. Tôi không biết những người làm phim độc lập, tự bỏ tiền ra làm thì ra sao riêng tôi thì giống như người kinh doanh, người làm ra sản phẩm cho nhiều người xem, cái thích của mình vẫn phải làm sao đo được khán giả, mình và khán giả phải gần nhau.
 
Nhiều người hỏi tôi có bí quyết gì khiến phim ăn khách, thật ra tôi chẳng có công thức gì rõ ràng, quan trọng là mình hợp với số đông.
 
PV: Những năm gần đây, các đạo diễn Việt kiều có nhiều phim tạo được dòng phim đặc trưng, thu hút được nhiều dư luận. Anh nhận xét gì về điều này?
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Ban đầu, phim của các đạo diễn Việt kiều có đặc trưng riêng, có đòi hỏi chất lượng, style khác với phim của đạo diễn Việt Nam. Nhưng càng về sau, phim của họ lại càng gần với khán giả Việt Nam hơn, màu sắc Việt kiều ngày càng bớt đi và hòa quyện với thị trường, với khán giả Việt nhiều hơn. Có lẽ là khi mới về nước, các đạo diễn Việt kiều hầu hết là chưa quen, nên mơ mộng quá, đầu tư quá cao. Nếu như bây giờ Charlie Nguyễn mới làm “Dòng máu anh hùng” thì có lẽ không bị lỗ như vậy.
 
PV: Phim nhựa Việt Nam hiện tại hầu hết đều là phim hài, hoặc phim ma, kinh dị. Phải chăng tư duy của nhà sản xuất, làm phim bây giờ chỉ là doanh thu chứ không nặng lòng về nghệ thuật, thể loại?!
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:Thật ra đây là một xu hướng đúng nhưng đã bị muộn. Tất cả trên thế giới đều đi theo con đường đó. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, đầu tiên thì đa phần là phim tình cảm hài. Tình cảm hài là phim rất địa phương, không cần quá nhiều kinh phí, điều kiện, mà chỉ cần cái duyên, cái tâm lý, cảm xúc. Khi khán giả đã ngán với thể loại đó thì người làm phim phải vươn lên và thay đổi. Bước thay đổi kế tiếp dễ nhất là phim ma. Về mặt kỹ thuật, phim ma là bước phát triển hơn phim tình cảm hài vì nó cần âm thanh, kỹ xảo, makeup, ánh sáng… Đặc biệt là ở các nước Á Đông, càng mê tín thì phim ma càng sống tốt.
 
Kế đến là phim hành động, tất cả các nhà làm phim trên giới đều muốn làm phim hành động. Tất cả những thể loại tình cảm, hài, ma đều để phục vụ cho phim hành động. Bởi vì phim hành động dễ hiểu, dễ bán được trên toàn thế giới. Nên khi có đủ điều kiện, các nhà sản xuất bắt đầu làm phim hành động.
 
PV:Nói như thế thì với phim hành động cổ trang “Mỹ nhân kế”, Nguyễn Quang Dũng muốn khẳng định đẳng cấp của mình?!
 
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Bản thân tôi là người rất thích kỹ thuật, nên rất muốn làm một phim cổ trang, hành động. Tôi muốn làm những thứ mới, những thứ mà người khác chưa làm hoặc đã làm nhưng khó tìm được đường ra. Điều đó làm tôi thỏa mãn đam mê. Có thể nói cả sự nghiệp của tôi đều đi vào những cuộc đánh bạc lớn. Như với “Mỹ nhân kế”, ở thời điểm đó các nhà làm phim rất ngại làm phim cổ trang, và trước đó các phim cổ trang đều lỗ. Khi đó tôi cũng rất lo nếu “Mỹ nhân kế” mà lỗ nữa thì sẽ không ai dám làm phim cổ trang tiếp. Nên tôi phải cố gắng làm sao giải bài toán doanh thu cho phim cổ trang. Đó cũng là cách tạo niềm tin cho nhà đầu tư sau này.
 
PV:Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
Theo PetroTimes