Bộ phim Ông cố vấn do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất, nhà nước tài trợ, dự kiến sẽ làm 50 tập, nhưng cuối cùng đến tập thứ 10 thì dừng lại với lý do “hết kinh phí”. Dù phát sóng dang dở nhưng đương thời đã có mấy trăm bài báo khen ngợi, đến nay giới làm nghề vẫn còn nhắc nhớ và luôn… “giá như”.
* Thưa đạo diễn Lê Dân, phim Ông cố vấn ra mắt (1995 - 1996) đã lấy được lòng của cả hai phía, của cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo; bà Nhu (vợ ông Ngô Đình Nhu) còn đích thân viết thư khen phim chân thật, đúng đắn. Vậy thì lý do thực sự khiến Ông cố vấn phải dừng lại đột ngột - dù đang được khen ngợi - có thật do “hết kinh phí” không?
- Gần 20 năm kể từ khi phim bấm máy, nhưng rất tiếc lý do vẫn như cũ, tôi chưa thể nói đến những lý do khác. Tôi chỉ có thể nói chung chung: phim chủ đề tình báo rất khó làm, nhà nước và một vài tổ chức khác cũng không khuyến khích việc làm thể loại này cho lắm.
Quan trọng hơn là những người làm tình báo thường có đời sống hai mặt, phải thành thật với cả hai phía thì mới hy vọng tồn tại để phục vụ lý tưởng sâu kín của mình được. Khi làm phim về đề tài này, hấp dẫn nhất và cũng thách thức nhất là làm sao để nói cho được sự thành thật hai mặt này. Có vô số điều đến bây giờ vẫn là giới hạn ngầm, nếu nói ra thì sẽ ảnh hưởng xấu đến phía này phía kia, đặc biệt là hình tượng đẹp của nhiều người làm tình báo, thậm chí ảnh hưởng đến cả con cháu của họ.
* Ông có thể chia sẻ để khán giả có thể hiểu thêm về những “giới hạn ngầm” dó được không?
- Bởi tôi từng là một trong 14.000 điệp viên hoạt động tại miền Nam trước 1975 (theo tài liệu của Mỹ); đời tôi 6 lần chết hụt thì có đến 5 lần do hoạt động tình báo, chính trị. Nếu không giữ nguyên tắc thành thật với cả hai bên, không biết giữ bí mật và giới hạn thì sẽ không làm gì được. Nhiều khi đối phương biết mình là điệp viên nhưng vẫn dùng, vì giới hạn bền vững mà cả hai bên cùng xây dựng được. Ví dụ như phim Hồi chuông Thiên Mụ (1957), tôi biết người bỏ tiền sản xuất làm cho CIA, trong khi tôi là tình báo Việt cộng, nhưng chúng tôi vẫn làm và chơi với nhau được.
Cũng nói thêm, tôi từng làm tới chức Đổng lý Bộ Xã hội (tương đương Thứ trưởng) trong chính quyền VNCH, được đặc cách đi nhiều nơi, đưa được nhiều người của mình vào bộ máy. Năm 1974 khi tôi cùng 3 người khác qua Mỹ để vận động viện trợ, về đến Sài Gòn thì lập tức báo cáo tổ chức biết tin Mỹ sẽ cắt viện trợ quân sự cho VNCH. Tất nhiên vài người khác cũng báo về tổ chức tin này, gộp chung lại sẽ thành cơ sở dữ liệu khả tín hơn. Tôi chỉ tiết lộ một chút thông tin bề nổi về nghề điệp viên như vậy để bạn thấy rằng giới hạn là gốc của lòng trung thành, và cũng là thực tế khó vượt qua.
* Trong hoàn cảnh như vậy, ông quan niệm thế nào về một phim tình báo chuẩn mực?
- Nên làm phim tình báo để hiểu về những con người đặc biệt đã sống trong những hoàn cảnh rất trớ trêu. Nếu làm vì lý do ca ngợi bên này, xuyên tạc bên kia thì phim ấy chẳng phản ánh (thậm chí phản bội) lại lý tưởng, tôn chỉ của nghề tình báo. Trong sâu xa nhất, tình báo làm việc vì hòa bình, vì cuộc sống tốt đẹp, chứ không hẳn chỉ phục vụ cho một mặt trận, một cuộc chiến thắng.
Điệp viên không ngừng nghỉ Đã ngoài bát tuần nhưng “điệp viên điện ảnh” Lê Dân vẫn chưa muốn dừng lại. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm này ông sẽ bấm máy phim Phật và ni chúng (KB: Đỗ Tài), song hành là khởi động phim Đam San, với kịch bản mà ông ôm ấp từ trước khi làm Ông cố vấn. Trong phim đầu tay của mình (Hồi chuông Thiên Mụ), ông đã phát hiện ra diễn viên Kiều Chinh, trong chuyến về nước đóng phim Đoạt hồn của Hàm Trần vừa rồi, Kiều Chinh tâm sự rằng bà còn muốn làm với Lê Dân một phim trước khi giải nghệ. Lê Dân cho biết ông cũng có ý nguyện này. |
Theo TT&VH