Từ trung tuần tháng Chạp, đào đá được đồng bào vùng cao Kỳ Sơn tìm chọn trong nương rẫy, núi cao, vận chuyển xuống khu vực thị trấn Mường Xén trưng bày, chờ thương lái từ xuôi lên thu mua. Chợ đào Kỳ Sơn được kéo dài đến sát Tết Nguyên đán. Ảnh: Q.An

Clip: X.Hoàng - Q.An

Ông Lầu Bá Ngôn - một người dân ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) cho biết, sau khi khai thác đào từ nương rẫy về, sử dụng xe gắn máy để vận chuyển xuống thị trấn Mường Xén để bán. Ngày nào may mắn tìm được cành đào đẹp thì dễ bán và "được" giá, nếu không mỗi chuyến chỉ được 1,5 - 2 triệu đồng. Tuy nhiên, để tìm được cành đào đá ưng ý, bà con phải cất công đi tìm cả ngày. Ảnh: Xuân Hoàng
Đa phần những cành đào đá được bày bán ở khu vực thị trấn Mường Xén là nhiều năm tuổi. Ảnh: Xuân Hoàng
Những cành đào đẹp phải kết hợp các yếu tố như thế đẹp, nhiều cành, nụ nhiều và mập, thân cây có rêu mốc... Với những cành đào như vậy là thương lái săn đón, dù giá cao hơn một chút cũng sẵn sàng xuống tiền. Ảnh: Q.An
Niềm vui của những người bán đào Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Đặc biệt, tại khu vực thị trấn Mường Xén có 1 cây đào đá do đồng bào vùng cao tìm được, sau đó thương lái mua lại và bán với giá 40 triệu đồng. Cây đào này cao khoảng 3m, tán rộng 4m, nhiều nụ. Theo các thương lái, có thể đây sẽ là cây đào đá "khủng" nhất của Kỳ Sơn trong năm nay. Ảnh: Q.An
Cây đào này nhiều năm tuổi, thân cây to, mập. Ảnh: Xuân Hoàng
Trên thân cây có nhiều rêu mốc, đây được xem là điểm nhấn hút khách. Ảnh: Q.An
Tuy nhiên, theo các thương lái, đào đá Kỳ Sơn năm nay không đẹp bằng các năm, bởi đa phần là ra nụ chậm và nụ nhỏ. Theo ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, không có số liệu thống kê mỗi dịp Tết có bao nhiêu cành đào đá bán ra thị trường, nhưng đây là một trong những mặt hàng tạo nguồn thu nhập cho một bộ phận người dân trên địa bàn. Trong ảnh: Bà con tập trung nhân lực để chằng chống một cây đào khủng mà hứa hẹn bán được giá cao. Ảnh: Xuân Hoàng