Đào cổ thụ bung nở đón Tết trên bản làng người Mông Nghệ An
(Baonghean.vn)- Những gốc đào cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm được cộng đồng người Mông ở bản Đống (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) chăm sóc bảo vệ để tạo cảnh quan cho bản làng, những ngày giáp Tết đã bắt đầu bung nở đẹp như mơ.
19/01/2021 - 15:05
Bản Đống gồm Đống Trên và Đống Dưới nằm cách mặt nước biển 1.700 mét là nơi có dòng họ Hạ của người Mông sinh sống. Khí hậu lạnh, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên những nét khác biệt về cảnh quan của bản làng trên đỉnh núi Pu Lon này. Ảnh: Đào Thọ Đặc biệt, hiện ở bản Đống còn tồn tại hàng trăm gốc đào cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm. Những ngày giáp Tết, một số cây đã bắt đầu bung hoa nở tô thắm một góc trời. Ảnh: Đào Thọ Theo anh Hạ Bá Bì (32 tuổi) - trưởng bản Đống cho biết: Những gốc đào này đã có mặt ở đây từ khi anh sinh ra. Các già làng đều dặn dò con cháu phải gìn giữ vì đây là “bảo bối” của bản. Ảnh: Đào Thọ Khí hậu lạnh, sương mù bao phủ quanh năm khiến các cành, gốc đào bám dày một lớp rêu mốc. Đây cũng là đặc điểm để nhận biết đào đá với các loại đào khác. Ảnh: Đào Thọ Trên mái nhà người Mông, những cành đào cổ thụ vươn ra như những cánh tay khổng lồ tô thắm bản làng. Ảnh: Đào Thọ Những cánh đào bung đỏ trong sương sớm tạo nên một vẻ đẹp hiếm có trong những ngày Tết đến Xuân về. Ảnh: Đào Thọ Nhiều người dân còn đem cả hoa phong lan lên sống ký sinh trên cây đào. Ảnh: Đào Thọ Một số cây còn có cả chim làm tổ tạo nên nét đầm ấm, yên bình ở bản làng người Mông. Ảnh: Đào Thọ Hoa đào đỏ rực trên lối đi sau nhà của người Mông. Ảnh: Đào Thọ Nhiều năm trở lại nay, nhu cầu đào chơi Tết của người dân miền xuôi tăng đột biến nên người dân ở hai bản Đống Trên và Đống Dưới đã trồng nhiều rừng đào quanh các nương rẫy. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ của đồng bào Mông nơi này. Ảnh: Đào Thọ