Đạo chích liên tục “viếng” chùa
Mới đây, tại Thiền Viện Trúc Lâm Yên Thành (Yên Thành), kẻ gian đã đột nhập vào chùa Một Cột trong khuôn viên của Thiền Viện phá hòm công đức lấy đi toàn bộ số tiền công đức của người dân từ ngày 7-12/2 (tức từ 3 - 8 Tết Kỷ Hợi). Theo Đại đức Thích Tuệ Quang - phụ trách Thiền Viện, sáng 12/2 sau khi đi kiểm tra xung quanh, khi đến chùa Một Cột thì phát hiện hòm công đức để trong chính điện đã bị kẻ gian đập phá và lấy đi toàn bộ số tiền bên trong.
Đạo chích còn lợi dụng cả những ngày Tết để trộm cắp, điển hình vào sáng 6/2 (tức mồng 2 Tết Kỷ Hợi), một số phật tử và người dân đến chùa Lam Sơn (Quỳnh Lưu) dâng hương lễ phật và công quả phát hiện 2 két sắt đặt ở chính điện thờ của nhà chùa đã bị kẻ gian đục phá, lấy đi toàn bộ tiền công đức của phật tử và khách thập phương đến lễ chùa trong mấy ngày Tết.
Bà Nguyễn Thị Bích -một người dân địa phương bày tỏ “chùa là nơi thờ cúng trang nghiêm, vậy mà bọn trộm cắp cũng không trừ. Thật không còn gì để nói”.
Trước đó, ngày 22/1, tại đền Cờn (Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai), cũng bị kẻ gian đột nhập lấy tiền công đức. Hiện, đội Cảnh sát hình sự Công an TX. Hoàng Mai bước đầu đã xác định được 2 đối tượng, thu hồi số tiền 24,5 triệu đồng.
Còn tại TP. Vinh, vào 23h10 ngày 22/1, kẻ gian đã lẻn vào đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết đục phá 2 két sắt lấy toàn bộ tiền công đức bên trong. Trước đó, qua camera an ninh chùa Cần Linh đóng tại địa bàn phường Cửa Nam ghi lại, rạng sáng 20/12/2018, một nam thanh niên bịt kín mặt lẻn vào chùa. Sau khi đi vòng xung quanh, tên trộm này đã lấy đi một số đồ vật, cùng 1,2 triệu đồng tiền công đức đã kiểm đếm.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra gần chục vụ trộm cắp ở các đền, chùa... Trong đó có những vụ việc đã được trình báo cơ quan công an các địa phương phối hợp điều tra xử lý và cả những vụ việc chưa trình báo.
Cần nâng cao ý thức cảnh giác
Theo Thiếu tá Lê Xuân Thành - Điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP. Vinh), nạn trộm cắp tài sản tại các đền, chùa, nơi thờ tự không phải mới xảy ra. Lâu nay lực lượng công an đã phải trực tiếp đến tận nơi các đền, chùa, để nhắc nhở, hướng dẫn bảo vệ tài sản, lắp đặt camera an ninh. Nhờ đó, nạn “trộm viếng chùa” tạm lắng.
Thế nhưng, dịp trước, trong và sau Tết tệ nạn này lại tái diễn, bởi đây là thời điểm lượng tiền công đức nhiều. Cũng theo Thiếu tá Thành, thủ đoạn của các đối tượng, thường trước khi gây án, chúng đóng giả tín đồ đi lễ, tham quan các nơi thờ tự để tiếp cận nơi để hòm công đức, tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người quản lý, các nhà sư, đợi nửa đêm hoặc gần sáng mới đột nhập, ra tay.
Trung úy Nguyễn Văn Dũng - Đội CSHS Công an huyện Yên Thành cho hay: Bọn trộm không chỉ “viếng” các đền, chùa bề thế, mà đình, miếu cũng bị chúng ghé thăm. Đơn cử, tháng 12/2018, Công an huyện Yên Thành cũng đã kịp thời bắt, điều tra khởi tố 1 đối tượng trú tại xã Tăng Thành (Yên Thành), về hành vi trộm tiền ở hòm công đức tại miếu thờ đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, với số tiền đối tượng lấy trộm gần 5 triệu đồng.
Có thể thấy, việc chủ động ngăn ngừa tội phạm trong các cơ sở thờ tự, không chỉ để bảo vệ an toàn tài sản mà còn đảm bảo sự tôn nghiêm tại các địa điểm sinh hoạt tôn giáo.
Bởi vậy, nằm trong sự quản lý của địa phương, công an các địa phương, cụ thể các xã, phường cần tham mưu Đảng ủy, UBND địa phương phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thông tin cho chức sắc tôn giáo, tu sỹ, quần chúng nhân dân biết thủ đoạn, phương thức của kẻ gian để nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản, vật dụng thờ cúng có giá trị.
Các cơ sở thờ tự ngoài việc nâng cao ý thức cảnh giác, xây dựng tường rào bảo vệ, khóa cửa chắc chắn, cần có người trông coi, lực lượng bảo vệ ban đêm hoặc lắp đặt hệ thống camera an ninh để theo dõi, đảm bảo tài sản cho chùa, trong đó có những thùng tiền công đức. Khi phát hiện đối tượng khả nghi cần kịp thời báo cho công an địa phương kiểm tra, xử lý.
Cùng với các biện pháp trên, ban quản lý các đền, chùa cần căn cứ vào tình hình thực tế, quyết định số lượng hòm công đức tại các di tích để tiện cho việc giám sát, bảo vệ, không bố trí quá nhiều hòm công đức như một số nơi hiện nay. Và nên chăng cần mở hòm công đức trong ngày đối với những dịp như lễ hội đầu năm để tiện việc kiểm đếm cất giữ, không tạo cơ hội cho kẻ gian hoạt động.
Theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND “Quy định việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, đơn vị quản lý di tích căn cứ vào tình hình thực tế, quyết định số lượng hòm công đức tại các di tích, nhưng mỗi di tích không quá 3 hòm. Trường hợp có nhu cầu đặt thêm hòm công đức phải báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.
Việc mở hòm công đức do đơn vị quản lý di tích quyết định nhưng mỗi lần mở hòm công đức phải có đại diện Ban Quản lý di tích và Tổ giám sát (phải có mặt trên 2/3 số thành viên). Biên bản kiểm đếm phải có dấu giáp lai của đơn vị quản lý di tích, chia thành 03 bản: Ban quản lý di tích giữ 01 bản; Đơn vị quản lý di tích giữ 1 bản; gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 01 bản để tổng hợp, kiểm tra, theo dõi; Số tiền công đức sau khi kiểm đếm được chuyển vào tài khoản nguồn công đức được mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời gian không quá 48 giờ.