(Baonghean) - Mặc dù chưa đến mùa mưa lũ nhưng hệ thống giao thông ở huyện Tân Kỳ vẫn còn rất khó khăn. Chiếc xe zin 2 cầu ì ạch đưa chúng tôi đến xã Phú Sơn, quãng đường 30 km nhưng đi hết gần tiếng rưỡi. Đường đất bị cày xới bởi xe vận chuyển mía, sắn, đường bị hư hỏng nặng, với nhiều “ổ trâu”, “ổ voi”, khiến nhiều xã vùng sâu, vùng xa của huyện gần như bị chia cắt.

Dự án đường Nghĩa Hành đi Phú Sơn thi công từ năm 2009 nhưng không có vốn nên đến nay còn dở dang, gây khó khăn vất vả cho người dân nơi đây, đặc biệt là trong vận chuyển mía, sắn, keo đi tiêu thụ. Đến nay đường nhựa từ Nghĩa Hành đi Phú Sơn (trị giá công trình 162 tỷ đồng) sau 4 lần gia hạn đến nay đã thi công được 8/19 km, cầu Phú Sơn qua sông Con đã làm xong khoảng hơn một nửa số dầm cầu nhưng vẫn “treo” lơ lửng trên mấy cái trụ giữa dòng sông,  nên người dân hàng ngày phải đi đò qua sông. Dự án khó khăn về vốn, nên nhà thầu là Công ty Contrexin 16 đã “bỏ của chạy lấy người”, bây giờ nhà thầu thế chân là Công ty TNHH Hòa Hiệp. Nhưng vào trung tuần tháng 7, trên công trình này vẫn không có người thi công. Trao đổi với ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, được biết: “Do không có vốn nên công ty phải dừng thi công, chưa biết bao giờ mới làm tiếp được”.

Cầu Phú Sơn thi công dở dang ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Cuộc sống của người dân xã Hương Sơn (xã 135) cũng khốn khổ dài dài vì chưa biết ngày nào tuyến đường chính đi qua địa bàn xã mới được sửa chữa, nâng cấp. Cả tuyến đường mới chỉ có 4,7/126 km đường nhựa nhưng cũng đã bong hết mặt, chỉ còn đá dăm, lún sụt khắp nơi. Đến mùa mưa, người dân các xóm khắc phục bằng cách đổ từng xe đất lên nhưng càng đổ càng lầy sục. Xã Hương Sơn có 260 ha mía, 250 ha sắn và nhiều diện tích keo. Năng suất mía khoảng 50 tấn/ha, tính ra mỗi vụ ép, xã có 12.500 tấn mía, tương đương 1.250 chuyến xe ô tô qua lại chở mía và cũng chừng đó chuyến ô tô chở sắn. Do cầu Phú Sơn chưa xong, nên 280 ha mía, 170 ha sắn của xã Phú Sơn phải chở đi qua đây, bởi vậy, đường bị cày xới liên tục... 

Đường nhựa đến xã Hương Sơn bị bong hẳn phần mặt nhựa.

Chị Hồ Thị Thảnh ở xóm 4, xã Hương Sơn, cho biết: “Nhà tôi có 23 ha keo, 2 ha mía, khó khăn nhất là khâu vận chuyển, có khi chặt mía xong cả tuần nhưng xe không vào được. Keo cũng vậy, thương lái trả giá keo thấp vì giao thông đi lại quá khó khăn. Mỗi khi thu hoạch mía, keo, người dân cả xóm phải tập trung sửa đường nhưng sửa xong rồi lại hỏng…”. Ông Võ Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Hàng năm xã cũng xin huyện kinh phí để sửa chữa, như năm 2014 được cấp 50 triệu đồng, Nhà máy đường Sông Con hỗ trợ 17 triệu đồng, song chỉ đủ đổ đá để đi tạm, được mấy hôm lại hư hỏng. Mong Nhà máy đường Sông Con hỗ trợ kinh phí nhiều hơn...”.

Tuyến đường Tân An đi xã Đồng Văn, Tiên Kỳ cũng hư hỏng nặng với nhiều “ổ gà”, “ổ trâu”, nhiều đoạn đường đất, chỉ một trận mưa lớn và có xe tải đi qua là đường lầy như ruộng. Tuyến đường này dài 28 km, theo kế hoạch năm 2014 - 2015 sẽ duy tu sửa chữa nhưng vì chưa có vốn nên ngày càng xuống cấp. Còn tuyến đường Giai Xuân - Tân Hợp, đi qua vùng nguyên liệu mía chính của Tân Kỳ cũng đã hư hỏng hết. Tuyến đường nguyên liệu của Tân Kỳ đưa vào sử dụng từ năm 2002, trước đây được gọi là mạng “đường xanh” của huyện, nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng. Sau mỗi mùa mưa, người dân các xã Tân Hợp, Giai Xuân, Đồng Văn, Kỳ Tân, Tiên Kỳ... lại tất bật sửa đường  nhưng cũng chỉ “đủ sức” để đắp đất lên hoặc đổ vài xe đá dăm. 

Trước tình trạng đường xuống cấp gây khó khăn trong sinh hoạt, phát triển kinh tế, nông dân trong huyện chung sức, tập trung sửa đường. Có xã bình quân mỗi gia đình góp 2,5 triệu đồng, chưa kể ngày công để làm đường như xã Kỳ Tân, thậm chí có hộ đã bỏ ra 30 triệu đồng, 10 triệu đồng để đắp đường. Nhà máy đường sông Con cũng tích cực hỗ trợ để sửa đường, nhưng chỉ như “muối bỏ biển”, sửa được chỗ này, hỏng chỗ khác. Huyện Tân Kỳ hiện có 362 km đường giao thông (gồm cả đường nhựa và đường bê tông) trong đó 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 217 km. Với sự vào cuộc của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường xóm được đổ bê tông, tốt hơn nhiều tuyến đường chính.

Ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã tranh thủ được các nguồn từ Trung ương, tỉnh để đưa vào xây dựng các công trình quan trọng: Đường Tân Hợp - Khu du lịch sinh thái Thung Khiển, đường Giai Xuân - Tân Phú, đường dẫn vào cầu treo đò Rô, xã Nghĩa Đồng, đường bê tông theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới... Mục tiêu đến cuối năm 2015, có tối thiểu 60% đường xã được đổ nhựa hoặc bê tông; 55% đường thôn, xóm, bản được cứng hóa. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn về nguồn vốn nên nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng. Huyện đang đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bị hỏng nặng và chống sạt lở bờ tả sông Con đoạn cầu Rỏi”. 

TIN LIÊN QUAN

Châu Lan