(Baonghean)- Gần đây, một số cán bộ Thư viện Nghệ An trong một chuyến điền dã về những vùng ven biển Nghi Lộc đã phát hiện 12 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn tại đền thờ chi Năm dòng họ Nguyễn Đình (xóm 4, Nghi Hợp, Nghi Lộc). Trong số này có đạo sắc phong thêm 4 mỹ tự cho Thái Bảo Huân Quận công Nguyễn Kế Sài - Thần tổ của ngôi đền là "Hiển hựu Phổ tế". Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì thông tin này cần được bàn thêm.

Ông Nguyễn Hải Châu (73 tuổi), từng giữ chức Chánh quản họ tộc Nguyễn Đình ở Nghi Hợp cho biết: "Không biết các anh bên thư viện nghiên cứu thế nào, nhưng đúng ra thì đền thờ Huân Quận công có 15 đạo sắc phong chứ không phải là 12". Trong lần về Nghi Hợp vừa qua, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện về vị danh tướng Huân Quận công Nguyễn Kế Sài, người được thờ tự tại ngôi đền thiêng đã có trên 500 năm.

Danh tướng Nguyễn Kế Sài: Còn nhiều ẩn số ảnh 1                               Đền thờ Thái bảo Nguyễn Kế Sài

Cách Khu di tích quốc gia đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xíchỉ vài trăm mét là đền thờ Thái bảo Huân quận công Nguyễn Kế Sài, con trai của Cương quốc công.Nơi thờ tự này được con trai Thái bảo là Bá xuân hầu Nguyễn Đình Phú xây dựng thờ cha vào năm 1507, dưới triều đại vua Lê Uy Mục. Hiện nay, con cháu trong họ quen gọi là đền thờ chi Năm. Nguyễn Kế Sài, Thần tổ của di tích này do con trai thứ Năm của Cương Quốc công Nguyễn Xí dựng nên.

Khuôn viên khu di tích rộng trên 2.000m2 , trong đó nhà thờ tự chiếm 207m2. Có một đợt trùng tu lớn vào năm 1930, nhiều hạng mục không còn giữ được nguyên bản. Cửa võng, mái ngói, phần thượng điện, hậu điện và nhiều đồ thờ tự qua tháng năm vẫn nguyên vẹn. Thái bảo Nguyễn Kế Sài từng có công trung hưng triều Lê. Ông là một trong 7 tổng binh phụ trách một vùng rộng lớn từ Bắc Trung bộ đến Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay. Ngoài ra, Thái bảo Nguyễn Kế Sài cùng với Nguyễn Đình Khôi thừa lệnh vua Lê Thái Tông vào khai cơ lập ấp, hình thành vùng ven biển Nghi Lộc ngày nay.  

Từ năm 1947, Đền thờ chi Năm còn là nơi thờ tự chung của Thân hoàngmột số làng thuộc xã Nghi Hợp và Nghi Quang thuộc vùng Thượng Xá trước đây. Các vị thần Thành hoàng được phong sắc vốn là con của Huân Quận công Nguyễn Bá Nhật (cháu Cương Quốc công Nguyễn Xí) và thần sông vùng Thượng Xã là Lý Vực Na Tra.

Liên quan đến danh tướng Nguyễn Kế Sài, hiện ở Nghi Hợp còn khu mộ của ông. Việc xác định niên đại của khu mộ đang gặp nhiều khó khăn về sử liệu. Đây thực sự là một danh tướng còn nhiều ẩn số!

Theo gia phả họ Nguyễn Đình thì dòng họ này có rất nhiều hiền tài như Đại thi hào Nguyễn Du (là hậu duệ của Nguyễn Trọng Đạt, vốn là em trai Nguyễn Kế Sài), hay Nguyễn Duy Trinh từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Hiện nay, dòng họ Nguyễn Đình đang có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận, xếp hạng di tích văn hóa đã có niên đại trên 500 năm này. Nhưng có điều nữa cũng không kém phần quan trọng là việc có thêm những nghiên cứu cặn kẽ hơn về một danh tướng có công trung hưng triều Lê và một ngôi đền cổ độc đáo. Những đạo sắc phong mới được phát hiện tại ngôi đền là những nguồn sử liệu quý, có thể giúp ta hé mở nhiều điều về vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Kim Tuyến