Ngày 8-3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UB VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

GS Đào Trọng Thi chủ trì Hội nghị
Hội nghị nhằm tập hợp những ý kiến đóng góp của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách pháp luật của Quốc hội và đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ đánh giá, chương trình và SGK giáo dục phổ thông hiện nay vẫn còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống. Một số nội dung thuộc một số môn học còn thiếu tính khả thi. Phân ban phổ thông không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.

Tại Hội nghị, các ý kiến góp vào Đề án tập trung làm rõ 5 vấn đề: Quan điểm về dạy học phân hóa và dạy học tích hợp; phương thức dạy học phân hóa đối với giáo dục phổ thông ở nước ta giai đoạn tới và phương án tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015; quan điểm về một chương trình chuẩn với khối kiến thức sâu của từng môn học để học sinh lựa chọn và dành một tỷ lệ thời lượng nhất định cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền; việc đa dạng hóa SGK và tài liệu dạy học; về các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình, SGK sau năm 2015; về quy trình và lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Theo QĐND