Thương tích của nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) có thể chưa trầm trọng như Thế Dũng của Người Lao Động và hàng trăm nhà báo khác từng bị hành hung khi tác nghiệp bởi lâm tặc, côn đồ.
Nhưng sự việc này nghiêm trọng hơn nhiều so với các vụ việc trước đó. Bởi nó cho thấy sự coi thường pháp luật, coi thường nhân dân và công luận của một số kẻ nhân danh pháp luật. Bởi đây là một nhà báo bị tấn công ngay giữa nơi công cộng khi anh ta không có hành vi sai phạm, người tấn công là công an.
Điều 13 Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Điều 9 Luật Báo chí quy định: Nghiêm cấm việc đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Khi một nhà báo bị tấn công trong lúc hành nghề bởi nhân viên công lực, câu chuyện không chỉ dừng lại như một vụ xô xát. Không thể coi là xô xát khi tương quan rất bất bình đẳng giữa một nhà báo bình thường với một đội ngũ những người có quyền lực và công cụ hỗ trợ. Nó cho thấy ý thức pháp luật của lực lượng chấp pháp đang có vấn đề. Nó cho thấy sự coi thường pháp luật và lộng quyền của một bộ phận những người mặc sắc phục công an. Nó cũng cho thấy việc coi thường ấy tiếp diễn và tăng cấp là bởi những vụ việc trước đó không được xử lý nghiêm và chấn chỉnh trong phạm vi rộng.
Khi một nhà báo bị tấn công trong lúc hành nghề đúng pháp luật thì chủ thể bị thiệt hại không chỉ là cá nhân nhà báo hay cơ quan báo chí ấy. Tấn công nhà báo trong trường hợp này là xâm hại quyền tự do ngôn luận và quyền được biết của công chúng, hai nhóm khách thể được quy định tại Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội thông qua.
Quan điểm của đội phó Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh cho rằng việc đánh nhà báo Quang Thế chỉ là “thái độ không đúng” do “áp lực công việc” của một số cảnh sát trẻ lập tức bị dư luận phản ứng. Mỗi ngành nghề, mỗi cơ quan đều có những áp lực nhất định, nó đều được dự liệu. Mỗi cơ quan, tổ chức đều có những quy chuẩn hành xử mà thành viên của cơ quan, tổ chức ấy buộc phải chấp hành. Không thể nói là không biết, lỡ tay hay áp lực gì ở đây cả.
Khó mà cấm người dân suy diễn: Nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật còn bị đánh như thế thì người dân ở nơi không ai chứng kiến sẽ bị đánh tới đâu? Tới đâu ư? Hôm 22-9 là phiên phúc thẩm vụ công an Tuy Hòa đánh chết dân trong nhà tạm giữ, cùng lúc xảy ra chuyện công an tấn công một PV VTC ở Đắk Lắk. Hôm 23-9 là phiên xử vụ CSGT quận Tân Bình gọi giang hồ đánh chết người dân cự cãi, các báo đưa tin cả vụ này và Quang Thế gần như cùng lúc. Có thể là tới vậy đó!
Vụ tấn công nhà báo Quang Thế vì vậy không thể dừng lại ở lời xin lỗi. Điều quan trọng, đây là dịp để lãnh đạo ngành công an xử lý, chấn chỉnh và nêu rõ quan điểm của mình trước rất nhiều dư luận sau những vụ việc đã xảy ra. Đây cũng là dịp để Hội Nhà báo TP.HCM và Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ thái độ của mình trong việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo.
Hôm nay là nhà báo, ngày mai sẽ đến ai? Thật khó đoán định. Nhưng chắc chắn có một điều là nếu bạn chấp nhận sự lộng quyền xảy ra với người khác vào hôm nay thì nạn nhân ngày mai có thể là bạn.
Theo PLO