“Đánh” cho Trung Nguyên tan đàn xẻ nghé để làm gì?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tiếp tục có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh những ồn ào giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Nhấn mạnh vai trò của một thương hiệu Việt, bà nói: “Giá trị của thương hiệu cà phê Trung Nguyên càng lớn hơn, khi ta thấy bao nhiêu mặt hàng nông sản lớn khác của Việt Nam vẫn đang loay hoay làm thương hiệu. Gạo Việt Nam có quy mô lớn đến thế mà vẫn xuất khẩu hàng thô, chứ chưa có nhiều sản phẩm từ gạo để tạo giá trị gia tăng, và vẫn đang lo xây dựng thương hiệu cho mình. Hay hạt tiêu Việt Nam, chiếm 50% nguồn cung của toàn cầu nhưng xuất khẩu vẫn là sản phẩm chưa có thương hiệu. Tôm, cá, thủy sản cũng vậy, kim ngạch rất lớn mà chỉ có vài cái tên nổi trội và xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng đông lạnh hoặc sơ chế, giá trị gia tăng chưa bao nhiêu. Nhìn rộng hơn ra các ngành công nghiệp và dịch vụ, chúng ta cũng thấy điều tương tự. Cho nên, một thương hiệu như Trung Nguyên là tài sản rất đáng quý, không phải chỉ của công ty hay những người sở hữu công ty càphê Trung Nguyên”.
Chưa có cơ sở để nói về một thứ âm mưu nào đó!
Bàn về những thông tin ồn ào trên mặt báo về vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong thời gian gần đây, bà Lan cho rằng, chưa có cơ sở để nói về một thứ âm mưu nào đó. “Dù vậy, việc đưa tin một chiều, thiếu khách quan, theo tôi, là việc không nên làm với bất cứ doanh nghiệp nào, và càng không nên làm với một thương hiệu quốc gia như Trung Nguyên. Khi viết và đưa tin kiểu như vậy, các báo đó có nghĩ đến hệ quả có thể có đối với hàng vạn nông dân trồng càphê, hàng vạn người làm trong các khâu chế biến và dịch vụ cho Trung Nguyên.
Vậy “đánh” cho Trung Nguyên tan đàn xẻ nghé để làm gì, có lợi cho ai? Trong khi đó, hiện nay doanh nghiệp và nền kinh tế của nước ta đang đứng trước biết bao thách thức, có bao nhiêu điều ngàn lần đáng nói, đáng viết hơn để cùng nhau chung sức vượt qua, sao không tập trung vào đó?”, bà Lan bày tỏ.
Theo chuyên gia kinh tế, việc đưa những chuyện mâu thuẫn riêng tư trong gia đình người khác lên mặt báo theo thông tin một chiều lại càng không nên, dù có được bên cung cấp thông tin yêu cầu hoặc chấp nhận. Khi đưa lời kể của một người trong gia đình lên mặt báo, các báo có nghĩ gì không đến người kia, đến nỗi đau của 4 đứa con và những người khác trong cả hai bên gia đình cùng thân quyến, bạn bè của họ?
Cũng đừng nghĩ rằng đưa lên mặt báo tiếng nói của một bên là cách để bạn buộc bên kia phải lên tiếng, nếu không mọi người sẽ có quyền suy diễn rằng người im lặng là sai nên không cãi được. Im lặng hay lên tiếng là quyền của mỗi người, chỉ có tòa án mới có quyền buộc người ra tòa phải nói, còn chúng ta phải tôn trọng quyền đó chứ không thể tùy tiện suy diễn. Và nói cho cùng, nếu bạn không muốn chuyện gia đình của bản thân mình lên mặt báo theo kiểu như vậy, không muốn những người ngoài không đủ thông tin mà lại đi phán xét chuyện nhà bạn, thì xin đừng làm thế với người khác.
"Cũng có người bảo tôi rằng, có lẽ có người muốn giúp bà Thảo trong chiến lược kinh doanh bằng cách đưa câu chuyện riêng và những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình ra để tạo sự ủng hộ. Thực sự tôi không đánh giá cao chiến lược như vậy. Thương trường là nơi đầy rẫy những chiến lược, những thủ đoạn cạnh tranh, trong đó không thiếu những thủ đoạn bẩn thỉu, nhưng kinh doanh cũng có phạm trù đạo đức của nó, và cạnh tranh lành mạnh, đàng hoàng mới là giải pháp lâu bền cho các doanh nghiệp", chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Dành riêng cho “ông vua cà phê Trung Nguyên” một lời khuyên, bà Lan nói: “Tôi mong và tin rằng, dù có bất cứ chuyện gì, Vũ và các cộng sự vẫn vững lòng cùng nhau tiếp tục gìn giữ và phát triển Trung Nguyên cho hạt càphê, cho Tây Nguyên, cho nền nông nghiệp của đất nước, cho triệu người Việt Nam, như Vũ đã và vẫn đang làm. Tôi luôn quý trọng và tin Vũ”.