Nhiều dấu hỏi được đặt ra về khả năng nắm thông tin và ngăn chặn tấn thảm kịch đẫm máu, khoét sâu thêm khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Á.

Thảm kịch được báo trước

Khi chuỗi đánh bom liều chết làm rung chuyển nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo và khách sạn tại Sri Lanka hôm Chủ nhật vừa rồi, hầu hết quốc gia này và cả thế giới đều bàng hoàng, sửng sốt.

Nhưng tại thủ đô Colombo, vụ việc rúng động ấy không hoàn toàn bất ngờ với hết thảy mọi người. Sở dĩ nói vậy là bởi, theo nhiều kênh tin, một số nhân vật trong chính phủ Sri Lanka từ cách đó vài tuần đã nhận được cảnh báo về khả năng tấn công.

CNN cho biết, các cơ quan tình báo nước ngoài, bao gồm Ấn Độ và Mỹ, từ ngày 4/4 đã thông tin cho các quan chức Sri Lanka về âm mưu tiến hành tấn công liều chết nhằm vào các nhà thờ Thiên chúa giáo và các điểm du lịch.

image_8732163_2342019.jpgLực lượng an ninh rà soát bên trong nhà thờ St Sebastian tại Negombo hôm 22/4. Ảnh AFP

5 ngày sau, Bộ Quốc phòng nước này thông báo với người đứng đầu lực lượng thanh tra cảnh sát về âm mưu nói trên, và nêu đích danh băng nhóm được cho là đứng sau kế hoạch đẫm máu - Nations Thawahid Jaman (NTJ). Thậm chí, thông báo này còn chi tiết đến nỗi cung cấp hẳn danh sách nghi phạm.

Đến ngày 11/4, một thông báo khác do Phó Tổng Thanh tra Cảnh sát Priyalal Dissanayake ký phát được gửi đến cho nhiều cơ quan an ninh và một số bộ, ngành của chính phủ. Văn bản này, một lần nữa nhấn mạnh mối đe dọa và nhắc lại danh sách những kẻ tình nghi.

Theo người phát ngôn chính phủ Sri Lanka - Rajitha Senaratne - các cơ quan an ninh nước ngoài tiếp tục lặp lại cảnh báo trong nhiều ngày và nhiều giờ đồng hồ trước vụ tấn công. Nhưng, tất cả không giúp thay đổi được gì, điều xấu nhất đã xảy ra trong dịp lễ Phục sinh của người Thiên chúa giáo.

Khi những kẻ ôm bom liều chết tiến vào 3 nhà thờ Thiên chúa giáo ở Sri Lanka, cùng 3 khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo, chúng không hề vấp phải hàng rào an ninh nào.

Và như vậy, trong lúc các tín đồ nhắm mắt tập trung cầu nguyện, và những vị khách lưu trú tại khách sạn xếp hàng chờ thưởng thức bữa sáng, những kẻ tấn công kích nổ các thiết bị mang theo, gây ra những hậu quả thảm khốc.

Theo số liệu cập nhật, đến ngày 23/4 có 321 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương sau loạt vụ nổ kinh hoàng. Giới chức nước này đã nhanh chóng bắt giữ 40 người được cho là liên quan đến vụ việc đẫm máu nhất Sri Lanka từ sau khi cuộc nội chiến tại nước này khép lại vào năm 2009.

 

Đấu đá nội bộ

Đau thương đang phủ lên Sri Lanka trong bối cảnh đất nước này vẫn đứng trước những sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ đương nhiệm, khơi mào từ cuộc khủng hoảng hiến pháp năm 2018, khi Tổng thống Maithripala Sirisena tìm cách thay thế Thủ tướng đương nhiệm Ranil Wickremesinghe bằng một nhân vật được lòng ông hơn.

Sau đó, nhờ sự can thiệp của Tòa án tối cao, Wickremesinghe được tái bổ nhiệm vào tháng 12 năm ngoái, nhưng từ đó đến nay chính phủ Sri Lanka vẫn chìm trong chia rẽ sâu sắc.

Cảnh sát và quân đội canh gác nhà thờ Thiên chúa giáo tại Colombo hôm 21/4. Ảnh Getty
Liên quan đến loạt vụ tấn công hôm 21/4, Bộ trưởng Kinh tế nước này Harsha de Silva tiết lộ rằng, Thủ tướng Wickremesinghe “không được biết gì” về những cảnh báo trước đó.

Người phát ngôn chính phủ Senaratne cũng nói rằng ông Wickremesinghe đã bị buộc ra khỏi hội đồng an ninh quốc gia từ cuối năm ngoái, vì thế không nhận được những thông báo an ninh tối mật. Thậm chí, sau vụ tấn công, các thành viên hội đồng an ninh quốc gia Sri Lanka cũng từ chối tham dự cuộc họp do Thủ tướng tổ chức.

“Tôi nghĩ đây là quốc gia duy nhất trên thế giới mà hội đồng an ninh không muốn xuất hiện khi Thủ tướng triệu tập”, 

Người phát ngôn chính phủ Sri Lanka Senaratne

Ông Senaratne khẳng định bản thân không tin rằng một băng nhóm địa phương có thể hành động riêng lẻ để gây ra tấn thảm kịch vừa qua, mà “chắc chắn phải có mạng lưới quốc tế quy mô hơn đứng đằng sau đó”.
Trong một tuyên bố được Reuters đăng tải, Tổng thống Sirisena khẳng định chính phủ Sri Lanka sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước trong điều tra các mối liên hệ quốc tế tiềm tàng với vụ tấn công.
Văn phòng của ông Sirisena không đưa ra bình luận gì về việc không thật sự lưu tâm đến những lời cảnh báo, trong khi đó, phe đồng minh với thủ tướng lại quả quyết rằng, những mất mát không thể kể xiết về con người trong ngày 21/4 chắc chắn không phải thất bại của giới tình báo, mà là thất bại trong việc không đưa ra phản ứng phù hợp với nguồn tin đã nắm được.

Màn trả đũa của những kẻ cực đoan?

Sau cú sốc ngày Phục sinh, mọi sự chú ý đổ dồn về nhóm Hồi giáo cực đoan NTJ - cái tên xuất hiện trong những thông điệp cảnh báo trước đó.

Nhiều giả thuyết được đặt ra, nhiều nghi vấn chưa được làm sáng tỏ, xoay quanh việc NTJ - một nhóm quy mô nhỏ, thường chỉ tiến hành những vụ việc như phá hoại tượng Phật, vì sao lại tiến hành loạt vụ tấn công, lần này lại nhằm vào nhà thờ Thiên chúa giáo? Liệu chúng có sự trợ giúp nào không, động cơ của chúng là gì?

Theo thông tin mới nhất, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardana cho biết, điều tra sơ bộ cho thấy chuỗi vụ đánh bom do nhóm Hồi giáo cực đoan NTJ tiến hành, nhằm trả đũa vụ tấn công hồi tháng trước nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand - sự kiện từng gây chấn động dư luận thế giới không kém.

Trên thực tế, giới quan sát cho biết có rất nhiều băng nhóm nhỏ lẻ như NTJ hoạt động tại Ấn Độ và Đông Á, NTJ lại không có “tiền án” tương tự vụ việc vừa qua. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân mà giới chức Sri Lanka mắt nhắm mắt mở, thiếu cảnh giác.

Sự rối ren trên đấu trường chính trị tại quốc gia Nam Á Sri Lanka cũng là nhân tố khiến mọi chuyện càng phức tạp hơn. Ảnh: Google maps.
Bên cạnh đó, từ mức độ thảm khốc của vụ tấn công, chắc chắn không thể loại trừ sự xuất hiện vai trò của một tổ chức quy mô hơn, để phối hợp thực hiện những vụ nổ đồng thời, tinh vi đến thế.
Nhưng dù thế nào đi nữa, thì sự thật là những vụ tấn công hôm Chủ nhật - với đặc trưng dễ thấy là nhằm vào nhiều mục tiêu quan trọng, đánh bom liều chết và dùng bom có sức công phá lớn - chắc chắn phải có sự chuẩn bị lâu dài.

Vì thế, sự lơ là, chủ quan của giới chức sở tại, như chính họ đã thừa nhận việc bỏ lỡ nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, sẽ là đối tượng vấp phải làn sóng chỉ trích trong thời gian tới. Dĩ nhiên, cùng với đó, sự rối ren trên đấu trường chính trị tại quốc gia Nam Á này cũng là nhân tố khiến mọi chuyện càng phức tạp hơn.