(Baonghean)- Nhu cầu về công ăn việc làm cho con em lâu nay đã thực sự trở thành một  áp lực lớn cho các bậc làm cha, làm mẹ. Thật khó  thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng sinh viên, học viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp hàng năm, trong khi đó nhu cầu xã hội lại hết sức hạn chế.Không ít phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng, miễn rằng con mình có được một chỗ đứng trong xã hội. Nắm bắt được tâm lý này, cùng với sự hoạt ngôn và vị  trí xã hội của mình, Bùi Xuân Lâm đã buộc nhiều người “cắn câu”. Một số nạn nhân chia sẻ: Họ không quá ngây thơ, nhưng vì “choáng”  trước con đường thăng tiến của Lâm nên mới gửi gắm hy vọng. Tốt nghiệp Trung học sư phạm, Lâm về  làm công tác Đoàn Đội tại Trường tiểu học Tường Sơn. Một thời gian sau, anh ta được điều lên phụ trách Trung tâm Thanh thiếu nhi huyện Anh Sơn (trực thuộc Phòng Giáo dục) và góp phần đẩy Trung tâm này đi đến chỗ gần như… phá sản! Sau đó được đề bạt chức vụ Phó Giám  đốc Trung tâm Văn hóa huyện và chỉ một thời gian rất ngắn đã leo lên chức Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Bùi Xuân Lâm từng huênh hoang rằng: “Với  mọi người, phải mất tới 4 năm mới có được tấm bằng đại học, còn với tôi chỉ cần 4 tháng”!

Như vậy, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức có lúc, có nơi còn thiếu tính công khai và minh bạch, thậm chí có nhiều dấu hiệu tiêu cực. Đó chính là môi trường “lý  tưởng” để Lâm thực hiện các hành vi lừa đảo. Và một điều chắc chắn rằng, trong xã hội hiện tại không ít kẻ đang “hành nghề” giống như  Lâm, thậm chí chúng lập thành những đường dây  “chạy” việc để kiếm tiền bất chính. Sở  dĩ Bùi Xuân Lâm trở thành điển hình là nhờ  y có được một vỏ bọc khá sạch sẽ  và đáng tin cậy để ra sức “hành nghề”. Hậu quả thật không nhỏ khi hàng trăm gia đình lâm vào cảnh tán gia bại sản, nợ nần chồng chất. Và hậu quả lớn hơn đằng sau những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Bùi Xuân Lâm là tạo ra dư luận không tốt, gây mất niềm tin đối với quần chúng nhân dân. Đó là chưa kể  đằng sau những lời tuyên bố khá “hùng hồn”  của Lâm là thực trạng mua bán và sử dụng bằng cấp giả hoặc “học giả, bằng thật”  đang trở thành một vấn nạn trong xã hội… 

Đến đây, xuất hiện một số câu hỏi là không biết những người đã cất nhắc, đề bạt Lâm giữ những vị trí, chức vụ kể trên sẽ nghĩ gì? Và liệu họ có rút ra được bài học nào hay không? Qua đó, nhiều ý kiến khẳng định sự việc này thêm một bằng chứng về sự thiếu trách nhiệm và buông lỏng trong công tác tổ chức và quản lý cán bộ. Chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhằm mục đích loại trừ những người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Một số người tâm huyết và am hiểu đã khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ khâu tổ chức và quản lý cán bộ.

Để những kẻ “siêu lừa” như Bùi Xuân Lâm không còn đất sống, để người dân không còn bị lừa gạt, một yêu cầu hết sức cấp thiết được đặt ra là phải công khai, minh bạch và đảm bảo tính công bằng trong công tác tuyển dụng cán bộ, công nhân viên chức. Điều này quả thật không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện nếu có sự chỉ đạo quyết liệt và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân?!

Tường Anh