(Baonghean) - Trung tuần tháng 8/2014, Báo Nghệ An nhận được đơn của một công dân xóm Hợp Thành,  xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, với nội dung "tố" Lâm trường Đồng Hợp dùng thủ đoạn tước đoạt hết đất sản xuất. Qua xác minh, người viết đơn không có căn cứ; đằng sau việc đơn thư là động cơ không tốt...

images1040718_2a.jpgRừng keo trên khu vực Dự án 327 bị bóc vỏ, làm chết cây.
 
Người viết đơn gửi Báo Nghệ An là bà Nguyễn Thị Lộc, 57 tuổi. Đơn viết ngày 30/7/2014, với nội dung như sau: "Tôi sống ở giữa rừng mà không có đất sản xuất, con tôi (có 7 con - PV) chỉ sống bằng tiền đi làm thuê ở các xưởng chế biến đá trắng và làm thuê bên Trung Quốc. Đất sản xuất của gia đình tôi do khai hoang mà có, sản xuất ổn định trước 15/10/1993, bị lâm trường dùng thủ đoạn tước đoạt hết, đất tôi trồng lúa và trỉa lạc bị lâm trường Đồng Hợp thu để trồng keo, kiếm lợi bất chính, đẩy tôi và các hộ dân xóm Hợp Thành đến bước đường cùng quẫn.
 
Nhà tôi cách trung tâm huyện Quỳ Hợp 12 km, cách trung tâm xã Tam Hợp 4 km mà không có điện lưới quốc gia, sống dưới ánh đèn dầu. Tương lai mờ mịt như ánh đèn dầu. Tôi nhờ báo, đài giúp đỡ để cho cuộc sống được cải thiện hơn, đỡ bi đát hơn...". 
 
Lá đơn của bà Lộc được Xóm trưởng xóm Hợp Thành, bà Nguyễn Thị Hạp xác nhận ngày 10/8/2014, có nội dung: "Bà Lộc là công dân xóm Hợp Thành; Nội dung bà nói là đúng sự thật; Đề nghị quý đài giúp đỡ bà Lộc và những người cùng hoàn cảnh như bà trong xóm có đất sản xuất để duy trì cuộc sống bình thường trên cơ sở Luật Đất đai năm 2003 đã quy định".
 
Bà Nguyễn Thị Hạp.
 
 
Vì đơn có địa chỉ, có đại diện xóm xác nhận nên chúng tôi về xóm Hợp Thành xác minh những nội dung bà Nguyễn Thị Lộc đã kiến nghị. Bà Lộc nhà cận kề Trường Tiểu học Tam Hợp. Bà cho biết quê xã Diễn Vạn, Diễn Châu, theo bố mẹ lên xóm Hợp Thành lập nghiệp từ năm 1963. Hỏi rằng, khu vực đất sản xuất có nguồn gốc do bà khai hoang bị lâm trường lấy mất nằm ở đâu. Sao trong đơn bà không nêu địa chỉ cho rõ ràng? Bà Lộc trả lời, những khu vực đất đó đều nằm ở các vùng lân cận xung quanh nhà, ở khu vực rừng Dự án 327; trước đây bà sử dụng trồng sắn, lúa, ngô, đậu... Về hành vi chiếm đất của lâm trường, bà Lộc cho biết: Vào khoảng năm 1988 - 1989, tại khu vực bà và người dân xóm Hợp Thành khai hoang, lâm trường đã đưa máy móc vào san ủi để thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm. Vài năm sau, khi dự án trồng dâu nuôi tằm thua lỗ, lâm trường chuyển sang trồng rừng theo Dự án 327. "Khi có Dự án 327, lâm trường đến phủ đầu dân rồi lấy đất của dân để trồng keo... Đơn thì chỉ nêu được vậy thôi chứ làm sao nói hết được. Tôi khai hoang nhiều lắm, vùng đồi phía trước nhà, ngay phía sau nhà trồng sắn, trồng lúa. Thế rồi đều bị lâm trường chiếm hết" - bà Lộc khẳng định.
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạp - Xóm trưởng xóm Hợp Thành, công nhận đã xác nhận vào đơn của bà Nguyễn Thị Lộc; khẳng định bà Lộc "nói đúng sự thật". Vậy nhưng, khi bà Hạp nói về địa chỉ đất bà Lộc khai hoang bị Lâm trường Đồng Hợp lấy mất lại hết sức mâu thuẫn, thậm chí trái với những gì bà Lộc nói với chúng tôi. Theo bà Hạp, đất của bà Lộc bị Lâm trường Đồng Hợp chiếm dụng xấp xỉ khoảng 3ha tại Tiểu khu 249, thuộc địa bàn xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn! Hỏi, Tiểu khu 249 không nằm trên địa bàn xóm Hợp Thành, xã Tam Hợp, tại sao bà lại xác nhận. Sao bà không hướng dẫn bà Lộc sang xã Nghĩa Mai xin xác nhận? Bà Hạp nói rằng: "Bà Lộc là công dân của xóm. Tôi nguyên là cán bộ Lâm trường Đồng Hợp nên biết rõ chuyện, nên tôi xác nhận...(!?)". 
 
Bí thư Chi bộ xóm Hợp Thành, ông Lê Đức Tiến xem rất kỹ nội dung đơn của bà Nguyễn Thị Lộc và khẳng định bà này không hề có can hệ đến vùng rừng thuộc Dự án 327 trên khu vực xóm Hợp Thành. Ông Tiến cho biết, trước đây ông là cán bộ Lâm trường Đồng Hợp. Năm 1989, ông là người đầu tiên về khu vực Bãi Kè (nay tách thành 2 xóm Bãi Kè và xóm Hợp Thành) để thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm. Lâm trường đã sử dụng máy móc san ủi lấy mặt bằng để thực hiện dự án chứ không hề có người dân nào khai hoang trước đó. Do không phù hợp, dự án trồng dâu nuôi tằm không có hiệu quả nên năm 1993, khi có Dự án 327 đã chuyển sang trồng rừng. Thời điểm này, ngoài lực lượng công nhân, lâm trường đã huy động người dân trong vùng thực hiện trồng rừng và đã trả công đầy đủ. Với trường hợp bà Nguyễn Thị Lộc, ông Tiến nói: Tôi trực tiếp phụ trách đội công nhân lâm trường thực hiện cả hai dự án, lại có mặt rất sớm ở khu vực này nên biết rõ từng gia đình ở đây. Khi đó làm gì có gia đình bà Lộc...".
 
Chủ tịch Công đoàn Lâm trường Đồng Hợp, ông Đặng Văn Tiến khẳng định, trước năm 1999, bà Nguyễn Thị Lộc chưa phải là công dân của xóm Bãi Kè. Ông Tiến nói: "Tôi từng là bảo vệ của Lâm trường Đồng Hợp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại khu vực Bãi Kè thời điểm năm 1996. Năm 1997 mới thành lập xóm Bãi Kè. Đến năm 2007, xóm Bãi Kè tách làm 2 xóm, mới có xóm Hợp Thành. Khi đó bà Lộc làm gì có ở đây. Trước đây bà ta ở Tiểu khu 249, thuộc xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn và làm nghề đốt than chứ chẳng có khai hoang phục hóa gì. Khoảng năm 1999 - 2000, bà ta mới sang xóm Bãi Kè mua lại nhà của ông Ngô Văn Phơ rồi định cư tại đây... Nhà của ông Phơ cũng nằm trên đất thuộc lâm trường quản lý. Năm 2003, khi tỉnh có quyết định thu hồi đất, lâm trường mới giao trả lại cho huyện Quỳ Hợp để giao cho dân. Tôi khẳng định những gì bà Lộc nêu hoàn toàn sai sự thật...".
 
Nắm bắt từ nhiều kênh thông tin khác nhau, được biết, trong những năm qua, tại địa bàn huyện Quỳ Hợp nói chung, xóm Hợp Thành nói riêng, người dân có nhu cầu đất sản xuất rất lớn. Trong khi đó, diện tích đất đai do các lâm trường được Nhà nước giao quản lý vẫn còn nhiều, và chưa sử dụng hết. Chính vì vậy, người dân đã kiến nghị Nhà nước thu hồi đất lâm trường để giao cho nhân dân sản xuất. Khi chưa được đáp ứng, đã xẩy ra tình trạng mâu thuẫn, đơn thư khiếu nại, thậm chí tranh chấp, xâm chiếm trái phép đất lâm trường. Trước nhu cầu đất sản xuất của nhân dân, trong những năm qua, UBND tỉnh đã thu hồi khá nhiều diện tích đất lâm nghiệp thuộc quản lý của các lâm trường giao về cho huyện Quỳ Hợp để giao cho người dân. Liên quan đến xóm Hợp Thành, từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh cũng đã có những quyết định thu hồi đất lâm trường để giao cho nhân dân như các Quyết định 199/QĐ-UBND ngày 24/2/2004; Quyết định 456/QĐ-UBND ngày 10/10/2007...
 
Các quyết định trên của UBND tỉnh đều đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên, vẫn có những ý kiến không đồng nhất trong việc phân chia đất đai từ người dân và Ban Cán sự xóm Hợp Thành. Không chỉ vậy, xóm trưởng Nguyễn Thị Hạp còn nhiều lần "nhân danh" xóm viết đơn khiếu nại, trong đó, nêu lý do để "đòi" cấp thẩm quyền thu hồi diện tích đất lâm nghiệp thuộc Dự án 327 trên địa bàn Hợp Thành. Bí thư Chi bộ xóm Hợp Thành, ông Lê Đức Tiến dù chưa đồng tình với cách phân chia đất đai, tuy nhiên, ông tỏ rõ sự bất bình với nội dung đơn thư của bà Nguyễn Thị Lộc, cách xác nhận và những đòi hỏi thái quá của xóm trưởng Nguyễn Thị Hạp với đất rừng Dự án 327. Ông Tiến nói: "Bà Lộc viết đơn không rõ ràng mà bà Hạp với tư cách xóm trưởng xác nhận như vậy là sai...". Đồng quan điểm với ông Lê Đức Tiến, xóm phó, kiêm công an viên xóm Hợp Thành, anh Lê Văn Hùng thẳng thắn: "Trước đây, vì thực trạng nhân dân thiếu đất sản xuất, tôi cũng đồng tình với bà Hạp phải kêu cho dân. Tuy nhiên, chính quyền các cấp đã và đang từng bước giải quyết, đã thu hồi đất từ lâm trường, rà soát giao lại cho dân. Bây giờ, tôi thấy việc làm của bà Hạp chỉ làm rối sự việc, gây phiền phức cho địa phương cơ sở...". Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ xã Tam Hợp cũng không đồng tình với những việc làm của đảng viên, xóm trưởng Nguyễn Thị Hạp. Theo ông Trương Quang Lập - Bí thư Đảng ủy xã: "Tôi rất sát với những vấn đề ở xóm Hợp Thành. Tôi khẳng định huyện, xã đã làm hết sức mình". 
 
Tìm hiểu được biết, trong tổng số 51 hộ của xóm Hợp Thành có 48 hộ đã được cấp đất ở; 25 hộ đã được cấp đất sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 22 hộ nhận khoán trồng rừng liên doanh với Lâm trường Đồng Hợp. Riêng gia đình bà Nguyễn Thị Hạp và chồng là ông Nguyễn Tất Hải có tổng số diện tích nhận khoán trồng rừng liên doanh với Lâm trường Đồng Hợp là 5,6 ha; được cấp 5.171m2 đất sản xuất nông nghiệp, 11.690m2 đất lâm nghiệp và 11.180m2 đất ở. Như vậy có thể thấy, dù vẫn còn những hộ chưa được cấp đất ở, nhưng rất nhiều hộ tại xóm Hợp Thành đã được cấp đất ở và đất sản xuất. Trở lại với việc của bà Lộc, nếu như vì có nhu cầu nhưng chưa có đất sản xuất, thay vì viết đơn đến các cơ quan truyền thông, bà nên viết đơn kiến nghị để được cấp thẩm quyền xem xét. Với xóm trưởng Nguyễn Thị Hạp, việc xác nhận thiếu căn cứ vào đơn công dân rõ ràng đi ngược với những quy định đối với đảng viên, gây xáo trộn cho địa phương cơ sở. Đảng ủy, chính quyền xã Tam Hợp cần kiểm tra xử lý nghiêm.
 
Bài, ảnh: Hà Giang