"Một đội thì không thể đá lại năm đội. Nếu bóng đá Việt Nam không dẹp được hiện tượng này, sẽ không thể khá nổi. Bản thân HAGL vì điều này nên không còn động lực để đua tranh vô địch, buộc phải để cầu thủ ra nước ngoài hoặc đá cho vui để dưỡng cầu thủ", bầu Đức nói bên lề lễ ký hợp đồng của Công Phượng với CLB Sint-Truiden (Bỉ) ở TP HCM tuần trước.
Với những người theo dõi bóng đá Việt Nam, có thể hiểu bầu Đức đang nói về chuyện "một ông chủ, nhiều đội bóng" chi phối V-League, khiến cơ hội vô địch của các CLB còn lại hầu như không còn. Phát biểu gây sốc của bầu Đức diễn ra ở cuộc nói chuyện với các phóng viên thể thao nên chưa thể xem đó là quan điểm chính thức của một người từng giữ chức phó Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, nó có thể làm cho hình ảnh của V-League trở nên tiêu cực trong bối cảnh đang có không ít tín hiệu lạc quan từ hiệu ứng Park Hang-seo.
Vấn đề là phát biểu của bầu Đức không có nhiều cơ sở đúng.
Đầu tiên là việc HAGL tự chọn con đường khác để phát triển chứ không phải vì chuyện "năm đánh một". Năm 2015, bầu Đức đưa toàn bộ lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL – Arsenal JMG lên thẳng đội một, khiến độ tuổi trung bình của họ tại V-League 2015 chỉ là 23,5 tuổi. Chính bầu Đức thừa nhận khi đó rằng "không rớt hạng là quá giỏi rồi". Cách đó hai năm, tại V-League 2013, HAGL về đích ở vị trí thứ ba, chỉ cách đội đầu bảng Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) vỏn vẹn ba điểm. Điều này cho thấy, chính HAGL tự bỏ cuộc, chuyển sang phát triển bóng đá trẻ và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này, chứ không phải vì họ bị chèn ép đến nỗi mất động lực đua tranh vô địch. Ngay lúc này, khi độ tuổi trung bình của HAGL đã tăng thêm ít nhất ba năm, đội bóng phố núi vẫn chưa cải thiện về mặt trình độ, dù chỉ là chiến thắng những đối thủ cùng chất lượng.
Từ khi Hà Nội T&T thi đấu ở V-League (năm 2009), khởi đầu cho giai đoạn gây tranh cãi về hiện tượng "một ông chủ nhiều đội bóng", đội bóng thủ đô đã bốn lần vô địch, bốn lần về nhì và một lần đứng thứ ba. Những con số này chứng minh thực lực của họ rất mạnh. Tuy vậy, trong bốn chức vô địch, có đến hai lần Hà Nội T&T phải đợi đến vòng cuối mới chắc chắn đăng quang. Chi tiết này cho thấy họ cũng phải chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt từ các đối thủ.
Khái niệm "một ông chủ, nhiều đội bóng" chỉ thật sự tồn tại trong năm năm gần đây, sau khi Quảng Nam, Sài Gòn FC "gia nhập" cùng Hà Nội và Đà Nẵng thông qua những mối liên hệ nhất định đến bầu Hiển. Tuy nhiên, trong năm năm qua, Bình Dương đã hai lần vô địch liên tiếp (2014 và 2015), Hà Nội cũng chỉ hai lần (2016 và 2018), và lần còn lại thuộc về Quảng Nam. Nhưng năm đó (2017), đội bóng xứ Quảng lên ngôi khi bằng điểm với Thanh Hóa. Tại sao không nói Thanh Hóa "dở", mà lại cho rằng Quảng Nam vô địch nhờ "năm đánh một"? Năm đó, Thanh Hóa kết thúc giai đoạn một ở vị trí dẫn đầu nhưng dần sa sút và sau đó để thua chính Quảng Nam trong giai đoạn khốc liệt của cuộc đua.
Trong vòng 10 năm kể từ khi lên thi đấu V-League (2005 đến 2015), Bình Dương cũng bốn lần vô địch, hai lần về nhì và hai lần đoạt Cup Quốc gia. Xét về thành tích, họ còn làm tốt hơn cả Hà Nội. Ngay lúc này, dù không còn được đầu tư lớn cho lực lượng, Bình Dương vẫn là đội bóng khiến Hà Nội e ngại nhất mỗi khi đối đầu. Trận chung kết AFC Cup khu vực Đông Nam Á giữa hai đội sắp đến rất khó dự đoán ai chiến thắng. Những gì Bình Dương đã làm cho thấy vấn đề lớn nhất của V-League không phải là "năm đánh một", mà là quá ít đội bóng có tham vọng vô địch.
Giả sử, bầu Đức đừng "đá cho vui", đừng đôn quá nhiều cầu thủ trẻ lên đội một và chịu chi tiền mua cầu thủ chất lượng như trước đây... thì HAGL gộp với Bình Dương, TP HCM hay SLNA sẽ hình thành nên một nhóm các đội bóng đủ mạnh để đối chọi với Hà Nội. Chỉ khi có một cuộc đấu tay 4 – tay 5 như vậy mới có thể chứng minh chuyện "một ông bầu, nhiều đội bóng" đúng hay không.
Xét cho cùng, đang nằm trong nhóm dẫn đầu nhưng năng lực của TP HCM hiện nay còn kém xa Hà Nội – được ví như "đội tuyển quốc gia thu nhỏ". Bởi vậy, họ không thể vô địch cũng là bình thường, chứ không phải vì "năm đánh một" như bầu Đức cáo buộc.