(Baonghean) - Vẫn biết trời nắng hạn kéo dài thì ở bất cứ nơi nào người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vậy nhưng về Yên Khê (Con Cuông), nơi đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mà thấy những đồi chè đã chuyển màu nâu sậm; những vườn cam lá vàng úa, quả khô; và những cánh đồng bạc trắng chưa gieo trồng vụ mới, chẳng thể không đắng đót trong lòng... 

Chè héo, cam khô...

Như nhiều vùng quê ở Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Khê  cũng có những vườn, những đồi chè xanh mơn man trải dài tít tắp, và là nguồn thu nhập chính của người dân. Nhưng những ngày này, dưới cái nắng như trút lửa, nhiều lắm những vườn, những đồi chè ấy đã chuyển sắc, từ gốc đến cành, lá, ngọn héo khô chung một màu nâu sậm. "Thế là ông trời làm mất đi nguồn sống của chúng tôi rồi" - bà Phan Thị Vinh (xóm Trung Yên), chủ nhân của 6 sao chè kẹp giữa khe 32 và khe Tín than thở. Bà Vinh bẻ mấy nhánh chè, tuốt nắm lá quăn queo cho vào lòng đôi bàn tay vò nhẹ, rồi lại mở lòng bàn tay cho khách thấy dúm bột nâu mà tiếp: "Hơn 3 năm, chè mới cho thu hoạch. Khô đến thế này, tức là cây đã hết nhựa rồi, phải chờ thời tiết thay đổi làm lại đất mà trồng mới chè thôi".

Nương chè khô héo vì nắng hạn kéo dài.

Ở xóm Trung Yên, rồi xóm Khe Tín và các xóm khác của xã Yên Khê, có rất nhiều hộ dân có cùng cảnh ngộ với hộ gia đình bà Phan Thị Vinh. Tỷ như nhà ông Trần Văn Ngôn ở thôn Khe Tín có tổng diện tích chè lên đến trên 4ha. Trên đồi chè của nhà mình, ông Ngôn bảo, tính sơ bộ diện tích chè "chết hẳn" đã khoảng 4000m2; phần còn lại thiếu nước trầm trọng. Còn như gia đình chị Nguyễn Thị Phấn, chỉ có hơn 2 sao chè nhưng chỉ còn lom dom vài bụi là còn có màu xanh.

Tại khu vực xóm Trung Yên, xóm Khe Tín hầu hết hộ nào cũng có giếng đào; mỗi xóm lại có thêm một bể chứa nước qua hệ thống nước tự chảy từ núi cao về; bên cạnh đó là nguồn nước của khe 32, khe Tín. Nắng nóng kéo dài cả tháng trời đã khiến cả hai con khe khô kiệt; những chiếc giếng đào đã trơ đáy; bể chứa nước tự chảy chỉ đủ cho các gia đình tằn tiện trong sinh hoạt. Giếng đào của nhà chị Phấn sâu đến hơn 21m, giếng đào nhà bà Vinh sâu hơn 19m... hun hút dưới đáy chỉ thấy lấp lóa một vòng sáng nhỏ hơn bàn tay. "Có nhà xót vườn chè, lấy nước từ bể chứa đi tưới làm người khác không có nước sinh hoạt, thế là cãi nhau làm ảnh hưởng tình cảm xóm giềng..." - bà Vinh nói. 

Cây chè ở Yên Khê héo cháy trong nắng hạn, những vườn cam nơi đây cũng chẳng hơn gì, lá rũ úa vàng, quả non khô rụng. Dọc bên các nẻo đường ở địa phương này, có rất nhiều vườn cam với những độ tuổi khác nhau. Những vườn cam mới trồng hơn một năm tuổi, thảy đều khô ngọn, vàng úa lá; những vườn dăm năm tuổi trở lên đã cho thu hoạch, quả khá sai, đã lớn hơn trái cau nhưng đang trong tình trạng khô quả, nhăn da. Anh Lương Văn Cấp (bản Tân Hương) có 2 ha cam, trong đó 1 ha mới trồng, ha còn  lại cam đã 9 năm tuổi. Năm 2014 được mùa, anh thu hoạch gần 20 tấn quả, sau khi bán đã thu về được gần 400 triệu đồng. Cam Con Cuông ngọt, mọng nước lại thơm nên được thị trường ưa chuộng; đang lên ngôi sánh cùng những cam Xuân Thành, Minh Hợp (Quỳ Hợp), Minh Thành (Yên Thành)... đem lại lợi ích kinh tế cao, nghĩ vậy nên anh Cấp cùng nhiều hộ gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cam thì bị nắng hạn. "Các vườn cam ở đây đều trong tình trạng như thế này. Như vườn nhà tôi, nếu tới đây thời tiết thay đổi thì may ra còn vớt vát được khoảng 50%, còn nếu như nắng hạn kéo dài thêm ít lâu nữa thì cầm chắc sẽ mất trắng 100%..." - anh Cấp nói. 

Khó cán đích nông thôn mới!

Đầu năm 2015, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện Con Cuông đã xác định tập trung đầu tư để Yên Khê quyết tâm đạt được 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Khi đó, Yên Khê đã đạt được 15 tiêu chí; 4 tiêu chí còn lại gồm đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và hộ nghèo. Để làm được, Yên Khê xác định với sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, sẽ thực hiện sản xuất vụ lúa hè thu và vụ đông đồng loạt 9/9 bản; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất cây trồng vật nuôi giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo. "Về 2 tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nếu có sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của huyện như kế hoạch đề ra thì sẽ đảm bảo kịp tiến độ. Vậy nhưng thật đáng lo với 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Thời tiết khắc nghiệp thế này, vụ hè thu thì kể như đã không thành công; 70% của 225 ha chè đã bị khô héo; 35 ha cam trồng mới bị héo vàng lá; gần 60 ha cam đang độ tuổi cho thu hoạch hiện trong tình trạng quả non bị khô rất khó có thể cho ra sản lượng như những năm trước đây. Lúa và các cây trồng chủ lực như vậy, kế hoạch về đích nông thôn mới của Yên Khê thật khó thành công..." - Chủ tịch UBND xã Yên Khê Vi Văn Đậu rầu rầu cho biết.

Bằng mọi phương tiện, người dân Yên Khê đưa nước từ khe về tưới cho cam, chè.

Trong thời điểm hiện nay, chính quyền xã Yên Khê xác định việc cứu hạn cho cam, cho chè là trên hết. Trên địa bàn có 5 khe nước (gồm khe Tín, khe 32, khe Luông, khe nước Mọc, khe Nặm Bản Hạy) nhưng chỉ khe nước Mọc, khe Nặm Bản Hạy là còn nước. Ở hai khe này, người dân liên tục thay phiên nhau đưa các phương tiện có thể để vận chuyển nước về sử dụng tại gia đình. Bần thần nhìn cảnh nhân dân, người sử dụng xe công nông, người dùng xe trâu kéo, người lại nai lưng kéo những bồn, những phi chứa nước về nhà, ông Vi Văn Đậu nói: "Tìm lời giải chống hạn cho cam, cho chè sao mà khó thế. Khe nước Mọc chỉ đảm bảo cho khoảng 50 - 60 ha vùng ngoài; ở khe Nặm bản Hạy, xã tập trung một số máy bơm tải nước nhưng chẳng ăn thua phần vì điện yếu, phần vì lượng nước cũng còn rất ít. Để cứu hạn cho các loại cây công nghiệp, huyện cũng đã hỗ trợ Yên Khê 40 triệu đồng để làm một số giếng khoan. Chúng tôi đã tính sẽ hỗ trợ dân làm 8 giếng khoan nhưng thợ làm giếng đang bận làm cho xã khác. Mà thực ra, chỉ với 8 giếng khoan thì cũng sẽ chỉ giải quyết được một phần nước sinh hoạt chứ không thể cứu hạn được cho cam và chè...".

Nhìn thực trạng của những đồi chè, vườn cam, nghe tâm tư của ông chủ tịch xã, muốn nói rằng, việc mở rộng vùng cây công nghiệp như cam và chè là rất đúng. Nhưng cần phải có tính toán và có sự đầu tư nghiêm túc chứ bằng sức người, hoặc với dăm chiếc giếng khoan mà để chống hạn thì chẳng thấm vào đâu. Phải xác định, tập trung đầu tư phát triển được kinh tế một cách bền vững mới giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan. Để từ đó cần tận dụng một cách tối đa những hỗ trợ của nhà nước, cùng với sự tham gia đóng góp của dân cho xây dựng trạm điện, đường giao thông, kênh mương thủy lợi vùng nội đồng và vùng cây công nghiệp. Có được như vậy, nếu xẩy sự nắng hạn kéo dài, mới giảm thiểu được những thiệt hại do nắng hạn gây ra. Chứ cứ như thế này, xót cho dân quá!

Nhật Lân