(Baonghean.vn) - Bộ Y tế vừa có công văn 7149/BYT-BH hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng.
» Không dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ sở y tế tư nhân
» Mua BHYT tự nguyện sẽ được bỏ bớt những loại giấy tờ nào?
Công văn nêu rõ, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT: “Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì vẫn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú”.
Về giá trị sử dụng của thẻ BHYT đối với trẻ em, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng quy định, trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
Trường hợp “thẻ BHYT hết hạn và có thẻ BHYT mới thuộc nhóm đối tượng khác (học sinh, thân nhân...); Trẻ em trên 6 tuổi thẻ hết hạn nhưng chưa được cấp thẻ mới hoặc không có thẻ tiếp nối”, thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP.
Công văn này của Bộ Y tế nhằm đề nghị BHXH Việt Nam thực hiện đúng quy định tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP. Đồng thời khẳng định, trước đó, hướng dẫn của BHXH Việt Nam rằng: “Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú chỉ áp dụng trong các trường hợp thẻ hết hạn sử dụng vào cuối năm tài chính (31/12 hàng năm), do nguyên nhân khách quan chưa kịp cấp thẻ BHYT mới” là không đúng với quy định.
Phước Anh