(Baonghean) - Thay vì là nơi hoạch định quan điểm chính sách và đường lối lãnh đạo, thống nhất nội bộ để đưa nước Mỹ vượt qua thách thức hiện nay, đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa lại trở thành chiến trường để các thành viên phản đối ứng viên duy nhất của đảng mình, tỷ phú Donald Trump. 

Ngổn ngang trăm mối

Đúng 1h chiều theo giờ địa phương ngày 18/7, Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Priebus gõ búa chính thức khai mạc Đại hội toàn quốc của đảng này tại nhà thi đấu Quicken Loans Arena, thành phố Cleverland, tiểu bang Ohio với sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu.

Tâm điểm của Đại hội đảng Cộng hòa lần thứ 41 sẽ là ngày làm việc cuối cùng (21/7) với việc công bố quyết định chọn các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống đại diện cho “Những Chú voi” trong cuộc bầu cử năm nay.

images1626033_anh_so_1.jpg“Tỷ phú vạ miệng” Donald Trump khiến Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa trở nên hỗn loạn. Ảnh: Cleverland.

Nhưng điểm nhấn của ngày khai mạc lại là khung cảnh hỗn loạn của cuộc đối đầu giữa 2 phe ủng hộ và phản đối Donald Trump. Nhà thi đấu Quicken Loans Arena tràn ngập tiếng la ó. Những cử tri phản đối ông Trump bất bình khi không có cơ hội để bày tỏ tiếng nói của mình.

Đây là những người giận dữ khi đảng của họ sẽ lựa chọn một người ủng hộ "cấm cửa" người Hồi giáo và có những phát ngôn xúc phạm đối với người Mexico cho tấm vé chạy đua vào Nhà Trắng. Một loạt thành viên trong đảng như Thượng nghị sĩ John McCain, Thống đốc bang Ohio John Kasich, cựu ứng cử viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney hay các thành viên gia đình Bush đều tuyên bố không tham dự đại hội để phản đối ông Donald Trump.

Ngay trước thềm đại hội, Ủy ban Quy tắc đảng Cộng hòa đã trải qua nhiều tuần căng thẳng khi phải vận động giữ lại quy định buộc các đại biểu phải tôn trọng kết quả bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, trong ngày đại hội đầu tiên, nhiều đại biểu yêu cầu bỏ phiếu bãi bỏ quy định trên. Cử tri Cộng hòa càng thêm sốt ruột khi kết quả thăm dò ý kiến mới nhất do kênh NBC và tờ Nhật báo Phố Wall phối hợp thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump từ cử tri Mỹ đang thua đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ 5 điểm phần trăm.

 “Lực hút” từ sự cực đoan

Đảng Cộng hòa đang ngụp lặn trong những mâu thuẫn từ bên trong. Những phát ngôn, chính sách cực đoan, bạo miệng, thậm chí có phần thô thiển của ông Trump khiến chiến dịch sơ bộ của đảng Cộng hòa năm nay trở nên khác biệt. Nó khiến Trump không giống bất cứ ứng cử viên Tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ. 

Các thống kê cho thấy số cử tri tham gia các cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại các bang của Đảng Cộng hòa thường cao gấp đôi số cử tri có mặt tại các điểm bỏ phiếu của Đảng Dân chủ. Tất cả được cho là nhờ sức hút của tỷ phú nhiều tai tiếng.

Biểu tình phản đối ông Trump bên ngoài nơi tổ chức đại hội. Ảnh: Time

Tuy nhiên, bản thân Đảng Cộng hòa không ngờ Donald Trump lại nổi lên như “cơn sóng thần”, giành chiến thắng trên quy mô rộng lớn. Và với việc ông Trump giành chiến thắng tại hết bang này đến bang khác trước thềm đại hội Toàn quốc, đảng Cộng hòa phải lựa chọn một ứng cử viên mà họ không thể kiểm soát.

Điều trớ trêu là ông Donald Trump từng tuyên bố mình là “người tập hợp lực lượng” nhưng trên thực tế, ông lại là nhân vật gây chia rẽ trong chính đảng của mình.

Liên danh tranh cử “khập khiễng” 

Ngay trước đại hội, tỷ phú Trump đã quyết định liên danh với Thống đốc bang Indiana Mike Pence để chạy đua vào Nhà Trắng. Quyết định này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người cho rằng, ông Pence sẽ là cầu nối cho Trump với đảng Cộng hòa thì có quan điểm khẳng định đây là một “sai lầm lớn”.

Trước khi làm Thống đốc bang Indiana, ông Pence từng có 12 năm làm nghị sĩ Quốc hội. Kinh nghiệm và chức vụ thống đốc bang của ông Pence được kỳ vọng bù đắp và tạo lợi thế cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đặc biệt là việc lấy lại cảm tình của các thành viên Đảng Cộng hòa. Một số nhận định cho rằng nếu Trump đứng độc lập sẽ khó lòng có được phiếu của các thành viên trong đảng. Nhưng nếu đứng chung với ông Pence sẽ khác, họ sẽ bỏ phiếu vì ông Pence. 

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Lee (giữa) và đoàn đại biểu bang Utah bày tỏ sự phản đối tại ngày đầu tiên của Đại hội. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng liên danh tranh cử này là một ý tưởng tồi. Trước đây, ông Pence từng ủng hộ tự do thương mại, coi ý tưởng cấm người Hồi giáo vào Mỹ là “xúc phạm và vi hiến” và từng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết dùng vũ lực ở Iraq.

Tất cả những điều đó đều đi ngược lại với quan điểm của “tỷ phú vạ miệng”. Vậy ông Pence sẽ ăn nói ra sao với cử tri khi trở thành “phó tướng” của ông Trump? Tờ Politico còn cho rằng họ không hiểu tại sao 2 người có quan điểm khác nhau, từng chỉ trích nhau lại có thể cùng chung chiến tuyến.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN