Thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam rồi sẽ giảm còn 0%, nhưng có đủ lý do để người dân đừng mơ được mua xe giá rẻ. Thuế, phí sẽ đè nặng lên xe, rồi tình trạng độc quyền phân phối được quyền tự quyết giá bán, còn công nghiệp ô tô èo uột lấy đâu ra xe giá mềm.
 
Đánh đủ các loại thuế, phí
 
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết, giá xe có rẻ hơn hay không còn phụ thuộc vào chính sách của các bộ ngành, căn cứ theo luật, luật pháp sẽ được xây dựng, ông không đủ thẩm quyền để nói về vấn đề này.
 
Trước đó, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định, dù có nhiều thay đổi về thuế nhập khẩu, nhưng ngân sách không lo giảm thu. Một trong những lý do được vị này đưa ra là khả năng thay đổi giá tính thuế ô tô, để bù đắp phần giảm thuế suất theo lộ trình. Ngoài thuế nhập khẩu, hiện giá xe còn phụ thuộc vào 3 loại thuế, phí khác, bao gồm tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) và trước bạ, vốn không chịu chi phối bởi các hiệp định thương mại tự do hay cam kết WTO.
images1161484_1.jpgCác công cụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ... sẽ được sử dụng triệt để khi thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam tới đây giảm còn 0%
“Chỉ cần vì mục tiêu nào đó, như hạn chế phương tiện, tránh tắc đường, lo ngại nhập siêu,... cơ quan quản lý có thể điều chỉnh một, hoặc cả ba công cụ này. Như vậy, thuế nhập khẩu giảm cũng như không”, vị này bình luận.
 
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở.
 
Bộ Công Thương cho biết, với 8 thỏa thuận thương mại tự do và 7 thỏa thuận nữa mà Việt Nam sắp ký kết, nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm mạnh khi tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến 90-100%. Chưa kể, thuế xuất khẩu cũng phải xóa bỏ. Trong khi, tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu so với tổng thu ngân sách còn khá lớn. Dự kiến, năm 2015, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm mạnh nhưng vẫn chiếm 9,2% trong tổng thu ngân sách. Đến năm 2018, thuế hầu hết các mặt hàng nhập khẩu về mức 0%, tổng thu ngân sách còn giảm nhiều.
 
Đương nhiên, khi nguồn thu này giảm buộc các cơ quan quản lý phải đến việc tăng những loại thuế, phí không bị ràng buộc bởi các cam kết, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ để bù đắp. Điều này sẽ làm cho giá ô tô không thể giảm thấp.
 
Đến 2018, hàng loạt DN ô tô trong nước sẽ dẹp sản xuất để chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối, do xe lắp ráp không cạnh tranh được với xe nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ô tô tăng lên cũng đồng nghĩa với nhập siêu tăng, sẽ khiến Nhà nước tìm cách hạn chế xe nhập. Nhu cầu tăng cao, ô tô lại bị hạn chế, tình trạng khan hiếm sẽ xảy ra đương nhiên giá xe cũng bị đẩy lên cao. Hy vọng được sử dụng xe nhập khẩu nguyên chiếc, chất lượng tốt, giá rẻ vẫn chỉ là mơ ước.
 
CN ô tô èo uột và độc quyền phân phối
 
Ngoài ra còn nhiều lý do khác khiến giá xe nhập không thể giảm. Từ 2011, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 20, với quy định thương nhân nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền chính hãng. Điều này khiến một loạt DN thương mại không còn khả năng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán và tạo ra sự độc quyền phân phối cho một số nhà phân phối chính hãng. Và đương nhiên, giá cả sẽ do các nhà phân phối này quyết định.
Rất nhiều lý do để xe nhập khẩu vào Việt Nam không thể có giá rẻ (ảnh minh họa)

Chẳng hạn, đầu năm 2015, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô có dung tích xi lanh trên 2.500 cc giảm từ 68% xuống còn 64%; nhóm xe bốn bánh chủ động (xe 2 cầu) có thuế suất giảm từ 59% xuống 55%. Cùng với đó, tỷ giá đồng Euro so với VND giảm mạnh. Tính ra, nhiều mẫu xe nhập từ châu Âu có thể giảm giá cả trăm triệu đồng, nhưng có rất ít nhà phân phối tại Việt Nam giảm giá xe. Thậm chí, nhiều mẫu xe Đức còn trở nên khan hiếm khó hiểu.

Sở dĩ các nhà phân phối chính hãng làm được như vậy là nhờ họ được độc quyền phân phối, xe. Khách hàng muốn mua xe, không mua của họ thì chẳng mua được của ai khác.
 
Tương tự như vậy là các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Năm 2014, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm từ 60% xuống còn 50%, nhưng hàng loạt các mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan về hầu như không giảm giá. Thậm chí, với xe pick-up, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, lệ phí trước bạ 2%, nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Một chiếc pick up cabin kép trang bị các tính năng hiện đại, giá từ 700-900 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá bán tại Thái Lan.
 
Một DN kinh doanh ô tô cho biết, sở dĩ giá xe pick-up neo cao như vậy là vì nếu giảm giá mạnh, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe pick-up hết, thì các xe khác không thể bán được. Đương nhiên, các DN làm được như vậy là nhờ có Thông tư 20 hỗ trợ, cho họ quyền được độc quyền phân phối.
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, người dân Việt Nam chỉ thực sự được hưởng xe giá rẻ khi ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mạnh, đáp ứng hầu hết nhu cầu, giống như Thái Lan và Indonesia hiện nay. Còn chỉ dựa vào nhập khẩu thì điều đó không thể. Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam chắc không còn cơ hội phát triển, vì vậy cũng đừng hy vọng sẽ đến ngày được sở hữu ô tô giá rẻ.
 
Theo VietNamnet