Theo một nghiên cứu của Mỹ, một số nghề nghiệp có thể dẫn tới các nguy cơ mắc bệnh về tim như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
 
Nhân viên văn phòng, bán hàng, dịch vụ ăn uống, cảnh sát, lính cứu hỏa, tài xế xe tải và nhân viên hỗ trợ y tế có nguy cơ mắc bệnh cao.
 
resize_images1761686_8.jpg

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu sức khỏe của hơn 5.500 người đàn ông và phụ nữ tuổi từ 45 trở lên, sau đó đánh giá sức khỏe tim mạch của họ với các yếu tố bao gồm huyết áp, cholesterol, đường huyết, hoạt động thể chất, hút thuốc lá, chế độ ăn uống. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 2 trong 3 nhân viên bán hàng hoặc văn phòng có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh và có mức độ cholesterol xấu. 4 trong 5 nhân viên lười tập thể dục. Nhân viên phục vụ ăn uống có thói quen ăn uống tồi tệ nhất trong các ngành nghề, với 4 trong 5 người có một chế độ ăn uống nghèo nàn. 
 
9 trong 10 cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên bảo vệ và nhân viên dịch vụ bảo vệ bị thừa cân hoặc béo phì. 3/4 trong số họ có mức cholesterol xấu và bị huyết áp cao. 
 
Trong khi đó, theo các bác sĩ, những đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim gồm:
 
Tăng huyết áp: Người bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần đối với nam giới và 6 lần đối với nữ giới. Huyết áp càng cao thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim càng nhiều. Mỗi năm có hơn 15 triệu người tăng huyết áp tử vong vì nhồi máu cơ tim. 
 
Béo phì: Béo phì cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim, nó đã trở thành căn bệnh chứ không phải là thừa cân nữa, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh béo phì. Trên thế giới hơn 19,5 triệu người béo phì chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm. Người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn 40% so với những người bình thường.
 
Đái tháo đường: Theo thống kê của các chuyên gia tim mạch, cứ 5 người nhồi máu cơ tim thì có 2 người mắc bệnh đái tháo đường. Ở Việt Nam số người đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim là hơn 70%. 
 
Hút thuốc lá: Thuốc lá là kẻ thù số 1 của tim mạch, “kẻ sát nhân” lạnh lùng, chất nicotin trong thuốc lá làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Theo thống kê thì có 67,5% bệnh nhân nhồi máu cơ tim nghiện thuốc lá. 
 
Ngoài ra, thường xuyên bị căng thẳng, lười vận động, sử dụng vitamin kéo dài…cũng là tác nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim gần hơn.

Giờ vàng cấp cứu

Theo PGS Phạm Mạnh Hùng - Tổng thư ký hội Tim mạch: “Với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian vàng chính là sự sống".
 
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới công bố, từ lúc bệnh nhân đang có biểu hiện của một cơn đau tim như: đau thắt ngực hoặc đau quỵ xuống cho đến lúc được can thiệp động mạch vành để làm thông mạch dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất và đây được xem là “thời gian vàng” đối với nhồi máu cơ tim. 
 
Tuy nhiên, Viện Tim mạch Hà Nội đã thống kê những trường hợp cấp cứu và điều trị về nhồi máu cơ tim cho thấy, chỉ có gần 2% bệnh nhân đến sớm để cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng”. 
 
Đa số người bệnh khi lên cơn đau tim đến bệnh viện đều quá muộn nên rất nhiều trường hợp không cứu được hoặc cấp cứu được nhưng để lại di chứng nặng nề.
 
Nhồi máu cơ tim thường khởi phát rất dột ngột, diễn biến nhanh chóng khiến người bệnh và gia đình có thể rơi vào thế bị động. Nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong.
 
Các thao tác xử lý ngay tại nhà có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm làm tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
 
Người bệnh cần được dùng ngay thuốc giãn mạch vành có tác dụng nhanh như Risordan ngậm dưới lưỡi hoặc Nitroglycerine xịt dưới lưỡi. Nếu sau 5 phút mà cơn đau thắt ngực, khó thở không thuyên giảm thì có thể tiếp tục cho dùng thuốc lần 2.
 
Ngoài ra, nếu trong số thuốc được kê đơn trước đó có Aspirin thì bệnh nhân có thể uống luôn 1 viên để phòng cục máu đông và nhanh chóng đưa đến khám bác sĩ để được điều trị ngay, không nên để quá 15 phút.
 
Trong thời gian đợi xe cứu thương, cần đặt bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng và tiến hành ép tim. Thao tác này thực hiện 60 lần/phút. Tác dụng của việc ép tim là tạo ra một lực cơ học lên tim, tim sẽ có thể co bóp và đưa máu vào trong hệ tuần hoàn, giúp máu lưu thông. 
 
Theo VNN