Cổ nhân có câu 'Nhất vị Đan sâm ẩm, công đồng Tứ vật thang', nghĩa là Đan sâm có tác dụng ngang với bài thuốc quý Tứ vật - bài thuốc 'bổ huyết điều huyết' kinh điển.

Vị thuốc Đan sâm từ rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia mitiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae), còn có tên gọi khác là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn. Đan sâm được dùng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trước đây, vị thuốc Đan sâm thường được nhập từ Trung Quốc, trong những năm gần đây, cây Đan sâm đã được trồng tại các tỉnh miền núi Việt Nam. Cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hàm lượng hoạt chất cao.

images1869105_bna_58e5a3d75b463.jpgCây Đan sâm (Salvia mitiorrhiza Bunge)

Vị thuốc Đan sâm theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, Đan sâm có vị đắng (khổ) sắc đỏ (đỏ thuộc tâm hỏa), nhập tâm và tâm bào lạc. Đan sâm có tác dụng phá túc huyết (huyết lưu ứ lại), sinh ra huyết mới (ứ khử nhiên hậu tân sinh), dưỡng huyết an thai, trụy tử thai (khứ ứ), điều kinh mạch (phong hàn thấp nhiệt, tích tụ lâu ngày làm tổn thương khí huyết, kinh mạch không điều hòa, gây huyết hư, huyết ứ, khí trệ, đàm trở… kinh mạch điều hòa thì bệnh tự tán).

Chủ trị các chứng hư lao, cốt tiết thống (đau nhức xương khớp), phong tý bất tùy (chân tay mệt mỏi, ngại vận động, không theo chủ ý), trường minh phúc thống (đau bụng, sôi bụng), băng đới trưng hà (trưng là khối không di động, hà là khối trong bụng di động được, lúc tụ lúc tán; đều là huyết bệnh), mục xích (mắt đỏ), sán thống ( chỗ rỗng trong thân thể bị trở ngại, làm cho gân thịt co rút, rồi phát ra đau đớn đều gọi là sán 疝), sang giới, thũng độc.

Đan sâm dưỡng thần định chí, thông lợi huyết mạch; giúp dưỡng huyết, điều huyết, quy thủ thiếu âm, thủ quyết âm kinh giúp công năng của tâm, tâm bào được điều hòa. Vì vậy, Đan sâm là dược vị không thể thiếu trong các phương thuốc trị các chứng bệnh về tâm, về huyết.

Vị thuốc Đan sâm (丹参- Danshen)

Cách dùng và liều dùng

Đan sâm được dùng độc vị hoặc là thành phần trong những bài thuốc chữa các bệnh về tâm, huyết mạch, phụ khoa… với liều dùng từ 6 - 12g, sắc uống hoặc hoàn tán. Cần lưu ý, Đan sâm úy diêm thủy, kỵ giấm, phản Lê Lô.

Trong y học hiện đại, người ta có thể dùng Đan sâm dưới dạng cao chiết toàn phần hoặc dịch chiết phân đoạn, có thể dùng để điều trị đơn độc hoặc dùng làm bán thành phẩm kết hợp với những hoạt chất từ dược liệu khác để tạo ra những chế phẩm, có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những chế phẩm cụ thể, cần phải được nghiên cứu về tính an toàn (độc tính cấp, độc tính bán trường diễn) và hiệu quả để có được chỉ định và liều dùng phù hợp nhất.

Theo SK&ĐS

TIN LIÊN QUAN