(Baonghean) - Chỉ lặng thầm miên man xanh nơi vạt đất ẩm thấp cuối vườn hay ven bờ mương, ruộng cạn, đến mùa lại e ấp trổ cả vạt hoa tím ngắt, cây chua me đất cứ vậy mà lành hiền giữa đời. Những ngày nóng nực, có bát canh nấu với lá chua me đất, làm dịu đi phần nào oi ả trưa hè. Cái loại cây hiền như tên gọi, thế mà đi vào hoài niệm đằng đẵng một thời.
Loài cây chẳng có ai trồng, cứ vậy mà tự mọc lên nơi những góc khuất, để rồi lặng lẽ dâng đời vị chua trong bát canh quê và làm thuốc cứu người. Trong nỗi nhớ khi xưa, mùa hạ về là lúc dưới những gốc ổi cơm tán rộng mọc đầy dây me đất nhỏ xíu, mướt xanh. Lá me đất màu xanh lục với ba cánh hình trái tim, được lũ trẻ làng gọi là cỏ ba lá. Một buổi sáng nào đó nắng ngập khắp vườn, dây chua me đất bỗng trổ hoa tím mát rượi. Những bông hoa năm cánh nhỏ xinh như cúc áo, ban đầu phơn phớt trắng rồi nhuộm dần sắc tím. Dưới vòm ổi lao xao, đàn kiến lặc lè cõng những chiếc lá khô vòng quanh. Rồi những trái chua me đất nhú lên, bọn trẻ dấu một dúm muối trong lòng tay, nhặt những trái chắc, chấm muối nhấm nhấm. Quả chua me đất chua gắt hơn lá, ăn nhiều đâm nghiện. Những dây me đất mọc bò lan trên mặt đất, thân đỏ nhạt, có ít lông. Lá me có cuống dài, gầy, hơi có lông. Hoa mọc thành tán gồm 2 – 3 hoa, có khi 4 hoa màu tím, có nơi màu vàng. Trong những buổi chiều hè lang thang kiếm rau dại, thi thoảng tụi nhỏ chúng tôi rủ nhau đi bứt lá me đất về nhai cho vui miệng, cái vị chua chua của me đất sau khi ăn lại có những dư vị thật ngọt ngào.
Nhớ những ngày đã xa, vào cữ tháng ba khi cái nắng bắt đầu hanh nồng, mỗi khi kiếm được con cá tràu (cá lóc) về đưa cho mẹ thế nào nhà cũng được một bữa canh chua me đất. Cá sau khi đã làm xong mẹ đem ướp hành, ớt, gia vị…và bỏ vô nồi đổ nước vừa đủ ăn (thường là vài tô nước) đun cho đến khi nước sôi, cá chín mới bỏ lá me đất vào. Lá me đất không nhiều, chỉ hái được vài nắm lá là cùng, nhưng như vậy cũng đủ để có một nồi canh chua đặc sắc. Nồi canh vừa chín tới được múc ra một chiếc âu nhựa cũ, nước canh rất trong, nhìn rõ cả từng miếng cá tràu trắng mịn, màu xanh tươi của lá me đất, vị thơm của hành, ngò. Nước ngọt của cá lóc quyện với vị chua me đất cho tô canh chua có hương vị khó tả vừa có gì đó dân dã, vừa thanh tao. Canh chua me đất không chua gắt như khi dùng me quả, khế chua mà dìu dịu tan vào lưỡi những dư vị đặc trưng mà không hề nhạt của món ăn. Bát canh dân dã có vị ngon rất đặc trưng, vị ngọt của cá tràu, chua dịu của lá chua me, cay cay của ớt, mỗi miếng cơm như một ngọn gió nồm dịu dàng, mát rượi. Đó là hương vị dân dã, thấm thía, ngọt lành của ngày xưa bình dị. Nếu không có cá tươi, lấy con tép khô hay cá cơm khô để nấu canh với lá chua me đất, cũng là món ăn dịu mát ngày hè.
Có những ngày trời mù, chợ về nhiều cá cơm. Mẹ lại mua một mớ cá cơm còn tươi, lấy tay xé đôi con cá, tước xương và đầu vứt đi, rửa lại nước muối để cá se mình rồi ướp hành tăm, tiêu, nước mắm để ráo. Xoong nước sôi đã sủi bọt, mớ cá cơm được đổ vào đun, mùi tiêu, hành quyện cùng thịt cá cơm ngọt lừ bốc lên làm nôn nao cánh mũi. Những nhành lá me đất dịu mềm được hái quanh vườn được rửa sạch, cho vào nồi canh khi bắc xuống, bữa cơm như quyện cả hương vườn, hương biển quanh nồi canh cá dân dã, mát lành.
Lặng thầm là vậy, nhưng cây chua me đất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh mà hiệu quả đến không ngờ. Tôi còn nhớ lúc nhỏ vẫn hay bị lên mụn, mẹ thường ra vườn tìm lấy những cây chua me đất đem vào rửa sạch rồi giã lấy nước cho tôi uống, còn bã đắp lên chỗ bị sưng cho mau khỏi. Chua me đất có tính hàn, vì thế dùng để chữa những bệnh ngoài da như viêm loét, ung nhọt, bỏng… rất hiệu quả.
Rồi những ngày xưa cũng đi qua, lâu lắm không còn ai nhắc đến canh chua me đất. Một ngày tháng Ba, tình cờ gặp lại màu tím khiêm nhường trong vườn cũ nhà bạn, lại nôn nao nhớ món canh chua ngọt lành. Lòng những muốn quay về ấu thơ, mảnh vườn thưở trước có những chiếc ô ba lá xanh xanh bé xinh, đài hoa tím nhỏ dịu dàng lẫn cùng đám cỏ…
Bút Tím