(Baonghean) - “Tui mê dân ca từ khi tóc còn để chỏm, vắt vẻo trên lưng trâu theo mẹ ra đồng...”, ông Nguyễn Trọng Đổng khẳng định như vậy khi trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 6, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương. Năm nay đã 84 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc đến Dân ca ví, giặm, ông luôn sôi nổi như lúc còn thanh xuân.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng (bên trái).
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng (bên trái).

Con đường làng xuyên giữa xóm dẫn vào nhà ông Nguyễn Trọng Đổng được đổ bê tông bằng phẳng nhưng hai bên đường, các hộ dân vẫn không chặt phá những rặng tre trước ngõ. Điều đó càng làm cho khung cảnh làng quê gần gũi, thân quen, cho dù nhiều ngôi nhà trong xóm đã xây dựng theo phong cách mới. Đã hẹn trước nên khi chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ, ông Đổng quần áo tươm tất chào đón với nụ cười hiền hậu cùng cái bắt tay nồng ấm. Anh Trần Duy Hưng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương đi cùng chúng tôi, cúi chào ông Đổng với sự kính trọng: “Cháu chào chủ nhiệm!”, đồng thời quay sang giới thiệu: “Hơn 17 năm nay, bác Đổng đảm nhận chức trách Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca trung tâm huyện Thanh Chương. Mặc dù tuổi cao, nhưng trong mọi sinh hoạt của CLB, bác luôn có mặt, tận tình tập luyện cho hơn 30 hội viên với những điệu hò, câu ví và những trích đoạn dân ca đặc sắc...”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Đổng dường như không còn khoảng cách, bởi chủ đề nói về Dân ca ví, giặm quê hương. Ông Đổng vui lắm, đặc biệt từ ngày Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014). Ông vui không chỉ vì bản thân ông có hơn 60 năm đóng góp trong việc sưu tầm, cải biên, tập luyện cho nhiều thế hệ về câu hò, điệu ví mà quan trọng hơn, cả thế giới đã tôn vinh văn hóa “quê mình”. Ông Đổng cho rằng, “chính Dân ca ví, giặm là cơm ăn, nước uống, là khí thở của mình mà hàng triệu người Nghệ đã gìn giữ, phát huy bấy lâu nay...”. Bao ký ức ùa về, ông nhớ tất thảy những chuyến ngược xuôi, “mỏi đầu gối” để đi sưu tầm, tuyên truyền, dạy hát dân ca cho mọi người. Đó là những năm 1954, khi ông rời làng theo học tại Trường Sư phạm Liên khu 4, rồi làm thầy giáo và gắn bó với ngành văn hóa để đưa những làn điệu Dân ca Nghệ -Tĩnh đến với công chúng. Hoạt cảnh "Rừng - Biển thắm tình" của ông đạt giải Nhất Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An năm 1965 đã thôi thúc Nguyễn Trọng Đổng dấn thân theo câu hát dân ca. Khi đó, ông chuyển nghề từ Hiệu trưởng trường tiểu học về Phòng Văn hoá huyện. Từ đó, ông cùng nhiều cán bộ văn hóa “đỏ đuốc suốt đêm” đem câu hát đến với bà con mọi miền. 

Với tài hoa trời phú, cùng giọng hát đầy nội lực, Nguyễn Trọng Đổng đã gieo vào lòng người dân làng trên, xóm dưới những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Đặc biệt, ông còn sáng tác, biên kịch hàng trăm tác phẩm, hàng ngàn câu hát dân ca; trong đó nhiều tác phẩm đoạt Huy chương Vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh và toàn quốc như: Sức kéo, Phần rơm đầu mùa, Một chứng từ, Hào khí Điện Biên, Nghĩa tình đồng đội, Giá đời phải trả, Giao duyên câu ví ruộng đồng... Hầu hết những tác phẩm của ông đã được dàn dựng, biểu diễn và được Đài PT- TH Nghệ An, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng rộng khắp. Ông đã cùng các đồng nghiệp lặn lội khắp mọi vùng quê, sưu tầm hàng trăm câu hát dân ca lời cổ, ghi chép được nhiều tư liệu về ca trù, hát xẩm và sưu tầm được hàng chục chuyện trạng dân gian. Từ trong vốn cổ, ông đã viết được 18 khúc ca trù với các chủ đề về Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước đổi mới. Quá trình đó, ông hướng dẫn được nhiều người hát ca trù, ví giặm xuất sắc. Trong các lứa học trò đó, điển hình có Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng dạy hát dân ca cho đội văn nghệ xóm 6, xã Thanh Tường - Thanh Chương.

Với những đóng góp không mệt mỏi, ông Nguyễn Trọng Đổng là 1 trong 41 nghệ nhân dân gian được UBND tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Trong hồ sơ đề nghị, có đoạn ghi nhận: “Thời gian hơn 60 năm nắm giữ, thực hành và trao truyền Dân ca ví, giặm, ông luôn tâm huyết, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình thực hành và trao truyền di sản cho nhiều thế hệ; có tín nhiệm và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng; nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản vào loại xuất sắc...”. 84 tuổi, hiện ông Đổng vẫn miệt mài với cương vị Chủ nhiệm CLB Dân ca huyện Thanh Chương, tích cực cộng tác cùng ngành Giáo dục Thanh Chương đưa dân ca vào trường học. Đặc biệt, ông vẫn say sưa sáng tác lời mới giúp nhiều địa phương, các CLB tiếp tục truyền bá dân ca trong đời sống dân sinh. Những lời ca ông viết vẫn đậm nét truyền thống nhưng mang hơi thở cuộc sống mới: Ơ... Cùng học hỏi kiến thức nông gia/ Đường no ấm, đường lên phía trước/ Vì tương lai, hạnh phúc muôn nhà/ Cùng vỗ nhịp hòa ca/ Cho nông thôn ngày càng đổi mới/ Ơ... khoa học, khuyến nông ta cùng tiến tới/ Xây quê hương đất nước đẹp giàu...

Trong thời điểm hiện tại, ông đang cùng với chi bộ, ban cán sự xóm 6, xã Thanh Tường mỗi tuần đều đặn 2 buổi tập luyện cho đội văn nghệ xóm với tiểu phẩm “Lá đơn chưa ký” do chính ông biên soạn, cải biên. Vở kịch phản ánh về chống bạo hành gia đình đã được huyện Thanh Chương chọn tham gia hội diễn cấp tỉnh. Cùng tham gia tập luyện, ông Nguyễn Thế Hùng, Bí thư chi bộ phấn khởi cho biết: “Từ sự truyền dạy một cách dễ hiểu của bác Đổng, anh chị em trong xóm bắt nhịp nhanh lắm. Đã nhiều lần đội văn nghệ của xóm đạt giải cao trong các cuộc thi cấp xã, huyện đều nhờ công truyền dạy của bác Đổng. Chúng tôi cũng đang nhờ bác hỗ trợ để thành lập CLB dân ca của xóm...”.

Trước khi tạm biệt Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng, chúng tôi đề cập đến việc tiếp thêm sức sống mới cho Dân ca ví, giặm tiếp tục lan tỏa, nhất là sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông khảng khái: “Tui tin các thế hệ sau làm được. Bởi thời trước, tui cùng bao nhiêu người, đốt đuốc đi hát cho bà con nghe. Giờ đây, tiến bộ, có nhiều thứ hỗ trợ, thậm chí có thể hát dân ca bằng tiếng nước ngoài cho du khách nghe. Điều đó, đòi hỏi vào hoạt động sáng tạo liên tục của các thế hệ người Nghệ chúng ta. Hãy xem Dân ca ví, giặm như là cơm ăn, nước uống, là hơi thở của mình...”.

Nguyên Sơn