Trò đam mê gặp thầy tâm huyết
Mấy ngày nay, nhiều bạn bè, hàng xóm lần lượt đến nhà Trương Xuân Thông (15 tuổi, xã Nghi Kiều, Nghi Lộc) để chia vui. Thông là thủ khoa môn Toán trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh vừa rồi với 18,75 điểm.
“Thông là học sinh toàn diện. Ba năm liên tục được xếp loại giỏi, từ lớp 6 đến lớp 9 đều đạt điểm cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi huyện, riêng lớp 8 và 9 là thủ khoa môn Toán", thầy Nguyễn Phấn Cương - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Kiều cho biết.
Thông nói rằng, với cậu, môn Toán thực sự đã trở thành niềm đam mê từ hồi còn học tiểu học. Lên lớp 6, năng khiếu về môn học này của Thông được thầy Nguyễn Văn Thắng phát hiện. Dưới sự chỉ bảo của một người thầy vững chuyên môn và tâm huyết, tố chất ấy của Thông ngày càng bộc lộ rõ qua kết quả học tập cũng như điểm số tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các năm học.
Cũng từ đó, thầy Thắng dành cho Thông sự quan tâm đặc biệt. Ngoài bài giảng trên lớp thầy còn ra thêm bài tập nâng cao để em về nhà tìm lời giải. Có thì giờ rảnh rỗi, thầy trò lại ngồi với nhau để trao đổi, hướng dẫn và tiếp nhận kiến thức. Ở nhà, mỗi ngày Thông thường dành khoảng 4-5 tiếng say sưa với những phép tính cũng như tìm tòi lời giải hợp lý nhất.
“Phát hiện Thông có tố chất, ngay từ đầu tôi tìm cách bồi dưỡng, đào tạo thành một học sinh giỏi Toán. Mục tiêu tôi đặt ra là Thông đạt điểm cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9, kết quả hôm nay thực sự ngoài mong đợi của cả thầy và trò”, thầy Thắng nói cho hay, kỳ nghỉ hè vừa rồi thầy thường xuyên chạy xe máy hơn 20 km từ nhà ở xã Nghi Diên lên trường để kèm Thông học. Trước kỳ thi này, thầy trò cùng quyết tâm đạt mục tiêu đề ra.
Giọt mồ hôi của bậc sinh thành
Cũng như nhiều gia đình khác ở làng quê nghèo này, nhà của cậu học trò Thông chẳng lấy gì làm khá giả. Bố làm thợ xây, mẹ ở nhà lo ruộng vườn và chăn nuôi. Thông có hai chị gái, chị đầu đã tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội rồi lập gia đình,còn chị thứ hai đang học năm thứ 4 ở Học viện Quân y. Lo cho các con ăn học, vợ chồng anh Trương Xuân Thu (bố mẹ Thông) đã không quản mưa nắng, nhọc nhằn.
“Để có tiền học cho các con, chồng phải đi làm thợ xây quanh năm xa nhà. Còn tôi ở nhà gánh vác tất cả, từ quán xuyến việc nhà đến cấy, cày và chăn nuôi. May mắn là các con đều ngoan và học giỏi nên nhọc nhằn, vất vả vơi bớt được phần nào…”, mẹ Thông, bà Nguyễn Thị Thắng nói.
Chồng thường xuyên vắng nhà, một mình bà Thắng làm 7 sào ruộng và đất màu của gia đình. Ngoài ra, bà còn nhận thêm 8 sào của những gia đình khác để có thêm thu nhập. Suốt ngày không ngơi việc, hết lúa, ngô, lạc đến rau, ớt, rồi gà, lợn, trâu, bò. Sáng dậy từ lúc 4h, bà phải chở rau vượt 20 cây số sang bán ở chợ Bộng, chợ Vẹo, chợ Sơn thuộc huyện Yên Thành.
Buổi trưa, trong lúc mọi người nghỉ ngơi, người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ lại tranh thủ ra đồng hay khe suối để mò cua, bắt ốc để chiều đem bán dọc tuyến đường cái ngang qua làng. Dù vất vả, nhưng bà Thắng nói rằng, bà vẫn chịu đựng được miễn sao các con chăm lo việc học, để sau này thoát cảnh làm ruộng như bố mẹ.
“Vợ chồng tôi nghĩ rằng mình được học ít, cuộc sống vất vả nên phải cố gắng làm lụng nuôi các con ăn học. Mong sau này chúng có được tương lai xán lạn hơn. Kết quả của Thông trong kỳ thi vừa rồi thực sự làm cho gia đình thêm phấn khởi và tự hào”, bà Thắng chia sẻ thêm.