Khi quyền lợi bị ảnh hưởng
Đến thời điểm này, thầy giáo Lô Văn Xuân đã chuyển sang dạy học ở Trường Tiểu học Hữu Khuông được hơn 1 tháng. Trường mới cách xa nhà gần 2 tiếng đi xe máy lại phải qua nhiều “đèo cao, núi dốc” nên một tuần thầy mới về nhà một lần. Ở tuổi 52, thầy Xuân cũng bắt đầu trở lại cuộc sống của một giáo viên độc thân, lấy trường làm nhà và phòng học thành chốn ngủ… Trước đó, thầy giáo Lô Văn Xuân đã có hơn 20 năm công tác tại xã Mai Sơn - xã biên giới sát với nước bạn Lào. Ngày đó, Mai Sơn cũng là địa bàn khó khăn nhất của huyện Tương Dươngvà số người ở lại với trường chủ yếu chỉ còn người bản địa.
Là giáo viên cắm bản lâu năm và nay đã ở độ tuổi ngoài 50, gần “già nhất trường” nên thầy Xuân khá bất ngờ khi năm học này thầy nhận được quyết định điều động về Trường Tiểu học Hữu Khuông - một trong những trường khó khăn nhất của huyện Tương Dương hiện nay.
Kể thêm về điều này, thầy cho biết: Việc thuyên chuyển được căn cứ theo kết quả biểu quyết của toàn trường. Tuy vậy, tôi vẫn chưa thấy thỏa đáng vì mình là một trong những giáo viên nhiều tuổi nhất, có nhiều năm cống hiến ở Mai Sơn - từ những ngày còn gian khó. Nay Mai Sơn mới thông đường giao thông, có điện, điều kiện đỡ vất vả hơn thì lại phải điều về nơi khác cũng vất vả không kém mà chế độ chính sách lại giảm.
Từ đầu tháng 9, Trường PT DTBT THCS Hữu Khuông cũng đã nhận được 2 quyết định điều chuyển 2 giáo viên từ Trường PT DTBT THCS Tam Hợp về trường và cùng với đó, 2 giáo viên khác của trường lại được điều chuyển về trường ở Tam Hợp.
Theo thầy giáo Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường: Hai giáo viên được điều chuyển đi là những giáo viên được tăng cường về trường nhiều năm theo chính sách và đã qua thời hạn tăng cường từ 2 đến 3 năm. Nay sau nhiều năm đề đạt nguyện vọng, các giáo viên mới được điều chuyển về các trường khác thuận lợi hơn.
Là một trong hai giáo viên mới được điều chuyển về Hữu Khuông, thầy giáo Hồ Đình Kỷ cho biết, đã làm quen với công việc và thích nghi với môi trường mới. Dẫu vậy, khi nói về việc thuyên chuyển này, thầy vẫn có những băn khoăn riêng: Tôi nghe thông tin phải thuyên chuyển qua đồng nghiệp và một ngày sau (1/9), tôi nhận được quyết định điều chuyển của huyện về Hữu Khuông qua tin nhắn Zalo. Khi ấy tôi bất ngờ lắm vì mình đã công tác ở Tam Hợp gần 20 năm, thuộc diện nhiều tuổi nhất trường và cũng không có vi phạm gì. Việc điều chuyển là quyết định của huyện và tôi chấp hành nghiêm túc. Thế nhưng, nên chăng trước khi điều chuyển tôi được lãnh đạo thông báo trước để mình còn có sự chuẩn bị cả về tâm lý và sắp xếp công việc và cuộc sống gia đình.
Điều chuyển, bố trí giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu
Đầu năm học 2021 - 2022, UBND huyện Tương Dương đã có quyết định về việc thuyên chuyển 67 giáo viên trong toàn huyện ở hai bậc tiểu học và THCS. Trong đó có 42 trường hợp thuyên chuyển hoán đổi theo nguyện vọng để hợp lý hóa hoàn cảnh gia đình và 15 trường hợp điều chuyển để cân đối đội ngũ thừa, thiếu. Riêng trên địa bàn xã Hữu Khuông, dù điều kiện hết sức khó khăn nhưng có 2 giáo viên tình nguyện viết đơn xin chuyển về công tác tại xã.
Thực tế, việc thuyên chuyển vẫn được UBND huyện Tương Dương thực hiện hàng năm do trên địa bàn huyện vẫn xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Nhờ đó, số lượng thuyên chuyển giáo viêntrong những năm trở lại đây ngày một giảm do đã ổn định dần đội ngũ giáo viên giữa các đơn vị, vùng miền (từ 104 giáo viên năm 2015, 74 giáo viên năm 2018 xuống còn 65 giáo viên năm 2021).
Tuy vậy, trong quá trình thuyên chuyển của huyện Tương Dương cũng có những khó khăn mang tính chất đặc thù. Chẳng hạn, nhiều năm nay huyện thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Từ năm học 2020 - 2021, lại có 4 giáo viên tiếng Anh xin chuyển về xuôi nên huyện không đủ giáo viên tiếng Anhđể bố trí cho các trường. Do vậy, năm nay, một số giáo viên đang dạy ở các trường trung tâm, thuận lợi phải điều chuyển vào vùng khó nên ban đầu có những giáo viên không đồng tình.
Điều kiện địa lý và những cơ chế đặc thù riêng cũng tác động không nhỏ đến quá trình thuyên chuyển. Cụ thể, huyện Tương Dương có 17 xã, thị, trong đó có 4 xã vùng biên là Tam Hợp, Nhôn Mai, Mai Sơn và một phần của xã Tam Quang (bản Tân Hương, Tùng Hương). Vì giáp với biên giới, nên ở những xã này, giáo viên ngoài được hưởng các chế độ của vùng cao còn được hưởng thêm 50% lương là chế độ Nhà nước dành cho xã đặc biệt.
Thực tế cũng cho thấy, với ưu đãi riêng này, từ nhiều năm nay, chỉ có giáo viên được điều chuyển về xã vùng biên. Còn lại số giáo viên từ vùng biên được điều chuyển đi vùng khác là rất ít hoặc rất khó thực hiện. Việc điều chuyển chỉ thực hiện trong năm học này do Trường Tiểu học Mai Sơn thực hiện sáp nhập các điểm trường lẻ và trường thừa 4 giáo viên. Ngoài ra, huyện phải điều chuyển giáo viên bậc THCS ở Trường PTDTBT THCS Tam Hợp để giải quyết bài toán giáo viên tăng cường đã tồn đọng nhiều năm ở địa bàn xã Hữu Khuông.
Trong quá trình thuyên chuyển “đi - đến” giáo viên giữa vùng này và vùng khác, Hữu Khuông được xem như là “điểm nhạy cảm” và nhiều năm nay gần như không thực hiện được. Lý do chính bởi Hữu Khuông hiện nay là xã “ốc đảo” còn sót lại duy nhất ở giữa lòng hồ thủy điện bản Vẽ, điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Tuy vậy, giáo viên về đây chế độ chính sách hỗ trợ lại giảm so với các xã vùng biên. Đây cũng là lý do vì sao trong số 67 giáo viên bị thuyên chuyển đợt này, ngoài một số trường hợp kiến nghị và đã được xem xét lại để phù hợp với thực tế thì số còn lại phản ánh chủ yếu tập trung ở các trường hợp giáo viên phải điều động về địa bàn xã Hữu Khuông.
Theo Thông báo số 210/TB-HU Tương Dương ngày 3/8/2021 về công tác cán bộ có hướng dẫn những giáo viên về công tác tại xã Hữu Khuông sau 3 năm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được thuyên chuyển về vùng thuận lợi. Tuy vậy, trong quyết định thuyên chuyển của UBND huyện lại không nêu rõ thời gian điều chuyển. Do đó, khiến nhiều giáo viên thấy bất an, lo lắng
Ổn định và tạo an tâm cho giáo viên thuyên chuyển
Xung quanh việc thuyên chuyển giáo viên, sau khi UBND huyện Tương Dương ban hành các quyết định điều chuyển, một số giáo viên đã có đơn phản ánh và kiến nghị về quy trình thực hiện.
Về vấn đề này, UBND huyện Tương Dương đã tổ chức hội nghị gặp mặt các giáo viên được thuyên chuyển để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và xem xét lại từng trường hợp. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã có thông báo chỉ đạo tiến hành tổ chức xem lại công tác thuyên chuyển giáo viên để đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, thủ tục của Đảng và Nhà nước, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật, nhất là các trường hợp chưa được thống nhất với tập thể cá nhân. Trong quá trình kiểm tra, huyện cũng đã thành lập đoàn công tác đến các xã đặc thù như Hữu Khuông, Mai Sơn để tìm hiểu, xác nhận lại thông tin, các quy trình, thủ tục đảm bảo quy định của cấp trên về điều động chuyên thuyển.
Trao đổi thêm về điều này, ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Các trường hợp thuyên chuyển giáo viên đều được các trường học triển khai theo đúng quy trình, có lấy ý kiến của toàn trường và đưa ra các tiêu chí để thực hiện trên cơ sở Thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Riêng bậc THCS, huyện thuyên chuyển trên cơ sở cân đối thừa - thiếu giữa các trường… Về việc một số giáo viên thắc mắc về quy trình thực hiện vội vàng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Việc thuyên chuyển giáo viên là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi nhiều giáo viên. Vì vậy, trong năm học 2021 - 2022, sau khi có thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy, việc thực hiện được triển khai nhanh để đảm bảo khách quan, hạn chế tối đa tiêu cực.
Về vấn đề thuyên chuyển giáo viên, sau khi có các kiến nghị phản ánh, Sở Nội Vụ cũng đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận. Theo đó, đã khẳng định công tác điều chuyển giáo viên ở Tương Dương nhằm cân đối đội ngũ về số lượng, chất lượng theo kế hoạch phát triển giáo dục, cơ bản khắc phục việc thừa thiếu cục bộ giữa các trường và đồng thời giải quyết nguyện vọng số giáo viên đi tăng cường tại xã Hữu Khuông. Việc điều chuyển giáo viên dôi dư tại các xã Nhôn Mai, Mai Sơn đến các xã Hữu Khuông là phù hợp về điều chỉnh cơ cấu, số lượng, khoảng cách địa lý và theo đặc thù của địa phương. Quy trình thực hiện cơ bản dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận của đa số cá nhân được điều chuyển.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, UBND huyện chưa ban hành được kế hoạch điều chuyển giáo viên. Bên cạnh đó, công tác thông tin, gặp mặt trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của giáo viên chưa tốt nên một số cá nhân chưa đồng thuận.
UBND huyện Tương Dương cũng chưa thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Công văn số 7602/UBND-VX ngày 26/10/2029 của UBND tỉnh về điều động luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức ngành GD-ĐT và gửi danh sách về Sở Nội vụ trước khi luân chuyển để theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện.
Ngay sau khi có kết luận của Sở Nội vụ, UBND huyện Tương Dương cũng đã tổ chức họp và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và đang từng bước giải quyết các vấn đề đang tồn đọng. Thời gian tới, huyện cũng sẽ ra văn bản quy định lại thời gian thuyên chuyển của các giáo viên để đảm bảo thực hiện đúng quy định theo kết luận thanh tra và tạo tâm lý an tâm cho đội ngũ giáo viên.
Do công tác luân chuyển gặp nhiều khó khăn nên năm học này huyện muốn đổi mới cách thuyên chuyển. Mục đích chính là để hạn chế tối đa tiêu cực, phù hợp với thực tiễn địa bàn và cũng tạo điều kiện cho những giáo viên đã nhiều năm công tác vùng khó khăn được về gần gia đình.
Tuy nhiên, cũng do điều kiện khách quan (do giãn cách bởi dịch Covid-19 và huyện tập trung chống dịch ở các vùng trên...) nên huyện không kịp thời gặp gỡ, làm công tác tư tưởng cho giáo viên trước khi luân chuyển vào vùng khó khăn. Từ những điều trên, việc một số giáo viên có một vài phản ánh cũng là điều dễ hiểu. Hiện, sau khi huyện tổ chức gặp gỡ và giải thích đến nay các giáo viên đã hiểu, đồng thuận, yên tâm công tác và đây cũng là kinh nghiệm và bài học để huyện làm tốt hơn công tác cán bộ, đặc biệt là trong công tác thuyên chuyển, biệt phái giáo viên.