(Baonghean) - Trong lúc dư luận vẫn lo ngại về chăn nuôi công nghiệp ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, thì ở Nam Đàn nhờ áp dụng đúng quy trình thiết kế kỹ thuật, công suất thiết kế nên các trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp trên địa bàn đảm bảo môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Trại lợn giống Đức Mạnh đóng tại vùng đồng Dắm Thị, xóm 3, xã Nam Xuân quy mô thiết kế 1.200 con lợn nái. Đi vào hoạt động được gần 3 năm nhưng trang trại luôn đảm bảo vấn đề môi trường trên cả 2 phương diện nước và không khí. Với địa hình thoáng rộng, diện tích gần 9 ha cách xa khu dân cư, trang trại được xây dựng theo đúng yêu cầu về quy trình thiết kế kỹ thuật của Công ty CP (Thái Lan), bao gồm hạng mục khu trang trại tập trung, hầm biogas và hồ điều hoà lắng lọc, với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng. Toàn bộ khu vực trang trại được bố trí khép kín đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh ngay trong trang trại.

Theo thiết kế và vận hành chuồng trại thì các hoạt động chăn nuôi ở trên, phía dưới là hệ thống mương gom nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại dẫn về hầm biogas dung tích 12.000 m3 để xử lý sử dụng gas. Nhờ có khung chuồng quy định khuôn khổ nên gần như phân gia súc đều được thu hồi tái sản xuất phân bón vi sinh và để làm thức ăn chăn nuôi cá. Nhờ hệ thống quạt gió làm mát tự động theo nhiệt độ được cài đặt sẵn nên đảm bảo sự thông thoáng phía trong.

Ông Quang Huy- Chủ trang trại lợn Đức Mạnh cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngoài vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật thì trạng trại chỉ nuôi đúng công suất thiết kế 1.200 con lợn nái sinh sản, do vậy chúng tôi hoàn toàn chủ động kiểm soát được vấn đề môi trường. Hơn nữa đây là trang trại liên doanh với Công ty CP nên các khâu, quy trình kỹ thuật từ chăn nuôi, phòng dịch bệnh đến môi trường đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của đối tác, bởi môi trường tốt thì sẽ hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, ổn định sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. 

Tại Nam Hưng, trang trại lợn giống của Công ty TNHH Đại Thanh Lộc là trang trại chăn nuôi lợn giống quy mô lớn, đầu tư bài bản nhất trên địa bàn tỉnh. Với diện tích 20 ha thuộc khu vực Khe Mới - Tràng Đen, doanh nghiệp đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng khu trang trại tập trung 8 ha, diện tích còn lại là các công trình phụ trợ như hầm biogas, hồ điều hoà nuôi cá, trồng cây tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Với công suất thiết kế nuôi 2.400 con lợn nái sinh sản, mỗi tháng cho xuất chuồng trên 5.000 con lợn giống, trang trại tạo việc làm cho 60 lao động tập trung.

Là người có kinh nghiệm, thâm niên trong chăn nuôi lợn hơn 10 năm nay tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Đạm - Giám đốc Công ty Đại Thành Lộc, chủ trang trại cho biết, về vấn đề môi trường trong chăn nuôi thì yên tâm, bởi việc đầu tư theo hệ thống khép kín quy trình chăn nuôi theo đầu vào - đầu ra đạt chuẩn theo quy định từ phía đối tác. Ông Đạm cũng cho biết: Thực tế một số trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nguyên nhân do nhà đầu tư quá thiên về lợi nhuận, đầu tư không bài bản khép kín quy trình và một điều rất quan trọng đó là số lượng nuôi vượt quá mức cho phép dẫn đến không kiểm soát được vấn đề môi trường.

Như vậy, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường tại Trại lợn giống ngoại Thái Dương (Đại Sơn, Đô Lương) với những hậu quả chưa khắc phục được đang khiến các ngành, các địa phương “dị ứng” với dự án đầu tư trên lĩnh vực chăn nuôi lợn công nghiệp thì một số dự án chăn nuôi công nghiệp tại Nam Đàn đang phát huy tốt hiệu quả trên 2 phương diện kinh tế và môi trường. Sự khác biệt tạo nên thành công này là nhà đầu tư tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, có giải pháp quản lý bảo vệ môi trường triệt để và quan trọng hơn đó là số lượng đàn phải nhỏ hơn hoặc chỉ bằng công suất thiết kế và khả năng xử lý môi trường của hệ thống. Kiểm soát tốt được các điều kiện này thì thu hút đầu tư chăn nuôi công nghiệp tập trung nói chung và chăn nuôi lợn công nghiệp nói riêng đang rất hiệu quả, suất đầu tư không lớn để có thể nhân rộng phạm vi.

Hồng Sơn