(Baonghean.vn) - Chiều 8/7, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021.

images1613527_dsc_8405.jpgHội nghị có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các đơn vị liên quan.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo tờ trình về việc ban hành Quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập thuộc tỉnh Nghệ An quản lý; Các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục Đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh Nghệ An quản lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An khai mạc hội nghị.

 Mức thu học phí mới đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập dự kiến tăng từ 33 - 78% đối với vùng Tp. Vinh; từ 41-93% đối với vùng nông thôn và từ 50 - 83% đối với vùng miền núi so với khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015 của Chính phủ; Còn đối với giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập mức thu dự kiến thấp hơn so với khung quy định.

Theo báo cáo tờ trình: Việc điều chỉnh tăng học phí không tác động đến các học sinh thuộc diện chính sách, học sinh là con hộ nghèo, học sinh bị tàn tật khuyết tật thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo, học sinh thuộc dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội, đặc biệt khó khăn…do các đối tượng này được miễn học phí; Đối với học sinh thuộc vùng miền núi, thuộc hộ cận nghèo ít bị tác động do mức thu học phí tăng không đáng kể đồng thời được giảm 50% học phí theo quy định; Các đối tượng thuộc Thành phố thì UBND thành phố Vinh đề xuất cần có cơ chế đặc thù riêng về mức thu học phí.

Nhà giáo Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An nêu ý kiến: Mức tăng học phí cần đảm bảo sự hợp lý giữa các vùng miền.

Tại Hội nghị đã có 13 ý kiến phản biện đều cho rằng việc quy định mức thu học phí mới phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh, phù hợp mặt bằng thu nhập chung của người dân và mức học phí phải nằm trung khung quy định của Chính phủ. Đối với các xã thuộc Tp. Vinh, cần đưa vào mức thu áp dụng cho TX.Cửa Lò, phường thuộc TX. Hoàng Mai, thị trấn các huyện đồng bằng. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị trong tờ trình cần làm tròn số thu học phí để tại điều kiện thuận lợi cho người nộp cũng như người thu.

Sau khi nghe các ý kiến phản biện, Ban thường trực UBMTTQ tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu đầy đủ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN