Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký Công điện số 51/CĐ – BGTVT gửi các ngành hữu quan và các địa phương về việc chuẩn bị tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Nhâm Thìn 2012.

Xử lý mạnh vi phạm giao thông


“Đến hẹn lại lên”, dịp trước, trong và sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân thường gia tăng đột biến, khiến tình hình trật tự ATGT, ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố.

771441_small_69546.jpg

Nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết luôn tăng cao. Ảnh: Lê Phú

Trước thực tế này, từ ngày 1/12/2011 đến hết ngày 28/2/2012, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Đây là kế hoạch nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông (TNGT), giải quyết kịp thời ùn tắc giao thông (UTGT) và ngăn chặn kịp thời các vấn nạn nhức nhối trong lĩnh vực vận tải. Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm các vụ tụ tập, đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông.

Theo kế hoạch, trong đợt cao điểm này, lực lượng Công an Hà Nội sẽ tổng kiểm soát xe ô tô chở khách và mô tô để ngăn chặn và xử lý vi phạm theo các chuyên đề, tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: Vượt quá tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định, đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai, đón trả khách không đúng nơi quy định, điều khiển xe quá thời gian quy định, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm…; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự giao thông đô thị, gây UTGT như: Vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện cơ giới đi ngược chiều hoặc vào đường cấm, dừng, đỗ sai quy định, vi phạm các quy định về vận tải khách đường bộ, người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia.

Về đường sắt, lực lượng CSGT Đường sắt phối hợp với các lực lượng an ninh khác tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT đường sắt và bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực các nhà ga; bảo đảm an ninh, trật tự trên các đoàn tàu khách, tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; chấp hành quy định về phòng, chống cháy nổ; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt…

Thông qua kế hoạch này, các lực lượng chức năng sẽ phát hiện kịp thời và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, như: Cướp giật, vận chuyển ma túy, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, sử dụng giấy phép lái xe giả, buôn lậu, gian lận thương mại…
Khách tăng nhưng không quá căng thẳng về xe

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự kiến dịp nghỉ lễ, Tết Dương lịch và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 có số ngày nghỉ ngắt quãng, do đó Bộ đã đề xuất với Thủ tướng việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần trong dịp nghỉ Tết Nhâm Thìn đối với cán bộ, công chức, viên chức theo dự kiến: Công chức, viên chức đi làm ngày 4/2/2012 (thứ bảy) để nghỉ ngày 27/1/2012 (thứ sáu). Như vậy sẽ nghỉ liền từ ngày 21/1/2012 đến hết ngày 29/1/2012 (tức từ 28 đến mùng 7 âm lịch). Như vậy, dịp Tết năm nay sẽ được nghỉ liền 9 ngày.

Với số ngày nghỉ kéo dài, các bến xe, nhà ga tại Hà Nội đều dự kiến lượng khách sẽ đi dàn đều và ít có khả năng gây quá tải. Theo dự báo của Ban quản lý Bến xe Hà Nội, đợt Tết Dương lịch 2012 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sẽ có 3 khoảng thời gian cao điểm: Đợt 1 vào chiều ngày thứ 6 và ngày thứ 7 (tức 30/12/2011và 31/12/2011); đợt 2 vào chiều 13/1, ngày 14/1 (tức chiều 18, ngày 19 tháng Chạp); đợt 3 vào các ngày 21/1/2012, 22/1/2012 (tức 28, 29 tháng Chạp) và 10 ngày sau Tết.

Cụ thể, trong dịp Tết Dương lịch 2012, dự kiến lượng khách qua các bến xe trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 40 - 50% so với ngày thường, lượng khách tăng sẽ tập trung chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Ngày cao điểm sẽ diễn ra vào chiều thứ 6 (ngày 30/12/2011) và sáng ngày thứ 7 (ngày 31/12/2011). Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số trọng tải phương tiện, thì lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Đối với các tuyến từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Quảng Ninh... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm, nhưng lượng xe trên tuyến vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.

Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh và sinh viên thường được nghỉ trước 1 tuần và các lao động ngoại tỉnh thường có xu hướng về quê ăn Tết trước ngày 23 tháng Chạp. Do đó, lượng khách sẽ tăng nhiều vào chiều ngày 13, 14/1/2012 (tức chiều 20, 21 tháng Chạp), tuy nhiên do ngày 23 tháng Chạp vào thứ hai, nên lượng khách sẽ dàn đều ra trong vài ngày. Trong các ngày 20, 21/1/2012 (tức 27, 28 tháng Chạp), lượng khách sẽ dồn về bến đông do lượng công nhân viên chức, lao động tự do, quân nhân... bắt đầu được nghỉ Tết và về quê, đây sẽ là thời gian cao điểm trong đợt phục vụ Tết, dự kiến lượng khách sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường, các bến có khả năng bị ùn tắc cục bộ vào các thời gian cao điểm trong ngày.

Để cung ứng đủ khả năng đi lại của hành khách, Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã chủ động tăng cường số lượng xe cho từng đợt nghỉ lễ Tết. Trong dịp Tết Dương lịch, Công ty tăng cường thêm khoảng 600 lượt xe/ngày, chia đều các bến xe có số lượng khách tập trung cao để giảm tải và có thể giải tỏa khách ngay tại bến; còn dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cường khoảng hơn 3.000 lượt xe/ngày. Bên cạnh đó, các bến xe cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an cơ sở, CSGT, thanh tra giao thông... tập trung kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên các tuyến vận tải hành khách, chống các bến cóc, bến dù, xe chạy vòng vo ngoài bến.

Công điện số 51 của Bộ GTVT đã yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành, các sở GTVT, các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan đến toàn ngành GTVT thành lập các bộ phận chuyên trách, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện… nhằm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu vận tải đi lại trong đợt cao điểm, bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng các kế hoạch vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối thiểu UTGT. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà ga, bãi bến thực hiện nghiêm các quy định trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, kiên quyết không sử dụng các phương tiện không bảo đảm chất lượng để đưa vào khai thác.


Theo Tintuc