(Baonghean) - Từng là nơi để cất giấu tài liệu, che chắn cho các chiến sĩ khi bị địch truy đuổi, cây sui Diên Tràng giờ vẫn sừng sững giữa thời bình, như một biểu tượng cho khí phách hào hùng của người dân xứ Nghệ….

Định thổ trên một mô đất cao ở thôn 5B, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, thân hình đại thụ cao chọc trời của cây sui Diên Tràng luôn thu hút mọi sự chú ý của nhiều người khi ghé thăm mảnh đất này. Không giống như bất kỳ một cây cổ thụ nào trên mọi miền đất nước, cây sui Diên Tràng không chỉ có độ tuổi lên đến nghìn năm mà thân của nó cũng hết sức đặc biệt, đằng sau đó còn là một câu chuyện hào hùng về một thời kháng chiến của quân dân nơi đây chống lại bọn thực dân xâm lược trong phong trào Xô viết.

Cây sui Diên Tràng

Tháng 10/1930, khi cơ quan Tỉnh ủy chuyển về làng Diên Tràng làm việc, Bí thư bấy giờ là Nguyễn Tiềm và đồng chí Nguyễn Liễu – Xứ ủy Trung Kỳ cùng nhiều đồng chí khác đã họp bàn và chọn nhà thờ họ Nguyễn Duy (cạnh cây sui) làm cơ quan của Tỉnh ủy và chọn cây sui “hổng ruột” làm nhà kho cất giữ tài liệu và truyền đơn.

Suốt hơn hai năm chiến đấu chống kẻ thù, cây sui luôn là chỗ cất giấu tài liệu mật an toàn và là nơi ẩn náu của các chiến sĩ khi có địch đột kích. Được biết, cây sui Diên Tràng có đường kính hơn 2,5, cao hơn 30m có tán lá rộng, gốc cây có một hốc lớn là nơi ẩn náu của các đồng chí khi bị bại lộ, trong hốc cây được đóng nhiều đinh để cất giấu tài liệu của cơ quan Tỉnh uỷ những năm tháng chiến tranh.

Xét vai trò quan trọng của cây sui Diên Tràng đối với sự nghiệp cách mạng, năm 1998, cây sui Diên Tràng cùng với nhà thờ họ Nguyễn Duy, Nguyễn Bá, Nguyễn Ích đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và trao Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, cây sui Diên Tràng thực sự trở thành một biểu tượng lịch sử hào hùng của người dân xứ Nghệ nói chung, nhân dân Thanh Phong nói riêng và là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhân chứng thời chiến khi kể lại chuyện xưa cho lớp con cháu về sau.

T.B (Tổng hợp)