Bệnh nhân mắc đái tháo đường ở Việt Nam không ngừng gia tăng, chỉ trong vòng 10 năm qua đã tăng trên 200% mà nguyên nhân chính là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực… Đây là những thông tin được Bộ Y tế đưa ra cảnh báo nhân Ngày phòng chống đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới năm nay (14-11).Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTĐ hiện đứng hàng thứ 6 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân tử vong do các bệnh không lây nhiễm. 80% số ca tử vong do ĐTĐ xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nạn đói nghèo. Nếu không có hành động dự phòng cho căn bệnh này, toàn cầu sẽ có khoảng 600 triệu người mắc ĐTĐ trong vòng chưa đầy 25 năm tới.Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trong vòng một thập kỷ qua, số người mắc ĐTĐ ở nước ta đã có sự gia tăng rất nhanh. Hiện cả nước có khoảng 5,42% dân số ở lứa tuổi trưởng thành bị ĐTĐ - tăng gấp 2 lần so với năm 1990. Đáng chú ý, có tới 60% số người bị ĐTĐ không được phát hiện và điều trị. Nguy hiểm hơn, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ thì 6 người đã có biến chứng như mù lòa, loét bàn chân, cắt cụt chi, tổn thương thận. Không chỉ vậy, nếu trước đây, ĐTĐ được xem là căn bệnh của nhà giàu (vì đa số người mắc bệnh ở trong những gia đình có điều kiện về kinh tế, dẫn tới việc ăn uống bất hợp lý, ăn nhiều chất đạm và đồ ngọt) thì hiện nay, số người mắc căn bệnh này ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng, bất kể hoàn cảnh kinh tế và điều kiện cuộc sống. Bên cạnh đó, lứa tuổi mắc ĐTĐ ngày càng trẻ hóa, đây là vấn đề rất đáng báo động vì ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Nếu trước kia, người bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 40 - 45 thì hiện nay đã có không ít bệnh nhân là trẻ em ở lứa tuổi 11 - 12.GS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam cho biết, sự gia tăng của bệnh ĐTĐ ở nước ta là kết quả của sự chuyển đổi nhanh chóng lối sống theo hướng đô thị hóa, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý. Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có lối sống lành mạnh. Để dự phòng bệnh, cần duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển, nên hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày. Nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá. Những người có nguy cơ cao như: quá cân, béo phì, trên 45 tuổi, bị ĐTĐ thai kỳ, gia đình có người mắc, bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, phụ nữ sinh con trên 4kg nên đi sàng lọc định kỳ. Ngoài ra, tất cả mọi người nếu đi bệnh viện vì bất kỳ lý do gì cũng nên làm xét nghiệm đường huyết và mỡ máu. 

Theo SGGPonline