Đại tá Nguyễn Hữu Cầu tại một buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Mỹ Nga Giải thích cho cử tri xoay quanh những thông tin cho rằng, quy định phải đặt máy chủ ảo hoặc văn phòng đại diện ở Việt Nam gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Quốc hội đã xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng từ tháng 11/2016, theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình thảo luận, xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, đặt máy chủ là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sau đó, khi trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội đặt vấn đề làm sao điều chỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, Internet
Theo đó, tại Khoản 3, Điều 26 của Luật An ninh mạng quy định: "Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam".
"Do đó, với tuyên truyền quy định này sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tôi xin khẳng định, vấn đề này Quốc hội đã làm rất kỹ, thậm chí tiếp cận những người có trách nhiệm của Google, Facebook với tinh thần lắng nghe và cầu thị" - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đại tá Cầu cho biết thêm, hiện nay trên thế giới đã có 18 quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp có văn phòng đại diện lưu trữ tài liệu người dùng ngay trên lãnh thổ quốc gia đó, kể đến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Thêm vào đó, Luật Thương mại được Quốc hội ban hành năm 2005, cũng như Luật Ngoại thương năm 2017 quy định rõ, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài cần phải có văn phòng đại diện hoặc trụ sở đặt tại Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin cũng được xem như những doanh nghiệp khác. Cho nên những quy định tại Điều 26 của Luật An ninh mạng là hoàn toàn phù hợp.
Luật An ninh mạng quy định tại Điều 26 về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo đó, các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Làm nhục, vu khống; Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; Bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ các thông tin có nội dung vi phạm.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam.
Việc thông qua Luật An ninh mạng có khiến Việt nam vi phạm các hiệp định quốc tế đã ký, đặc biệt là WTO hay không? "Hoàn toàn không" - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
Đối với một quốc gia, vấn đề quốc phòng an ninh luôn là tối thượng. Cho nên, khi tham gia vào bất cứ một Hiệp định thương mại quốc tế nào thì vấn đề an ninh bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Do đó, trong mỗi hiệp định đều có phạm vi an ninh ngoại lệ, và quốc gia nào cũng như vậy.
Như vậy, rõ ràng, vì yêu cầu an ninh quốc gia nên việc Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, của công dân.
Luật An ninh mạng cấm những gì? Hiện nay, một số thông tin cho rằng, Luật cấm người dân sử dụng Facebook, Google, và các mạng xã hội khác. "Điều này hoàn toàn sai trái" - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm với người dùng Internet trong Luật An ninh mạng, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết có 6 nhóm hành vi bị cấm, bao gồm: Sử dụng không gian mạng để kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác; gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng. Sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Hành vi khác sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định của Luật này.
Rõ ràng, trong 6 hành vi nghiêm cấm, Luật không đề có quy định nào cấm người dân sử dụng các mạng xã hội. Người dân thoải mái sử dụng mạng xã hội để hoạt động một cách bình thường, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.
"Tôi tin chắc rằng, chỉ có những kẻ lợi dụng để kích động thì mới dữ dội phản đối những quy định này. Còn đối với những công dân chân chính, lại rất cần thiết" - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
Giám đốc Công an Nghệ An cho biết thêm, hiện nay có gần 3.000 trang tin mạng hoạt động với những nội dung xuyên tạc, luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, vu khống. Do đó, Đại tá Cầu mong muốn người dân khi sử dụng Internet, cần giữ thái độ tỉnh táo, tham gia đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái đó.
"Những đối tượng nào chống phá lại sự nghiệp cách mạng thì chúng ta phải dứt khoát loại bỏ ra phía sau" - Đại tá Cầu gửi gắm lời nhắc nhở, động viên.