P.V:Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của việc ban hành Luật này. Theo đó, ông có thể cho biết về tình hình TNGT liên quan đến việc uống rượu, bia trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

Đại tá Cao Minh Phượng: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 là nỗ lực lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm ngăn ngừa tác hại tiêu cực của rượu, bia đối với đời sống xã hội, trong đó có liên quan nhiều đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Vì vậy, Luật ban hành đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội và là bước ngoặt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, mạnh mẽ để ngăn ngừa, kéo giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn.

bna_1_anh_pv2172486_612020.jpgĐại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.V

Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2019 đã xảy ra 294 vụ TNGT, làm chết 182 người, bị thương 210 người. Theo đó, gây ra thiệt hại to lớn về nhân mạng và tài sản, sự mất mát, đớn đau không thể bù đắp được, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, dòng họ...

Trong các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân bắt đầu từ việc lạm dụng rượu, bia rồi đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định… Đáng nói, tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe không chỉ diễn ra vào dịp cuối năm, thời điểm thường diễn ra các hoạt động liên hoan, gặp mặt, mà diễn ra hàng ngày.

Trong 5 ngày đầu ra quân đã có 51 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó 16 trường hợp là ô tô, 35 mô tô. Ảnh tư liệu P.V

P.V: Điểm mới trong Luật này là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác. Áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt lên đến 40 triệu đồng, ông nghĩ sao về vấn đề này và chi tiết mức phạt như thế nào?

Đại tá Cao Minh Phượng: Thực tế ở một số nước trên thế giới lâu nay đã quy định “đã uống rượu, bia là không lái xe”, nhưng nước ta ngoài cấm tuyệt đối với ô tô, vẫn quy định nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển mô tô, xe máy, nên nhiều người lách luật, biết là nguy hiểm nhưng vẫn không sợ, chưa kể mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe theo như Nghị định 46/2016/NĐ-CP còn thấp, chưa áp dụng đối với xe đạp và những phương tiện thô sơ khác.

Bởi vậy, điểm mới trong Luật này là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác. Đây là quy định nghiêm khắc nhất trên thế giới đối với vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện.

Theo đó, áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tăng mạnh mức phạt với người uống rượu, bia điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp là thực sự cần thiết. Đây là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế.

Mức 1: Chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở. Ô tô bị phạt: 06 - 08 triệu đồng; Tước GPLX từ 10 - 12 tháng. Xe máy: 02 - 03 triệu đồng; Tước GPLX từ 10 - 12 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 80.000 - 100.000 đồng.

Mức 2: Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở. Ô tô: 16 - 18 triệu đồng; Tước GPLX từ 16 - 18 tháng. Xe máy: 04 - 05 triệu đồng; Tước GPLX từ 16 - 18 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 200.000 - 400.000 đồng.

Mức 3: Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở. Ô tô: 30 - 40 triệu đồng; Tước GPLX 22 - 24 tháng. Xe máy: 06 - 08 triệu đồng; Tước GPLX 22 - 24 tháng. Xe đạp: 600 - 800.000 đồng.

P.V: Bên cạnh việc cho rằng uống rượu vốn là nét văn hóa của người Việt, nên để Luật đi vào cuộc sống là không hề đơn giản. Nhiều người còn lo lắng về việc ăn một số thực phẩm lên men khi tham gia giao thông vẫn có thể “dính” nồng độ cồn khi thổi, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đại tá Cao Minh Phượng: Uống rượu vốn là một nét đẹp về ẩm thực trong văn hóa người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nét đẹp văn hóa này đang trở nên lệch lạc bởi thói quen uống rượu không kiểm soát. Người ta coi khả năng uống rượu, bia là chìa khóa, thước đo trong nhiều mối giao thiệp. Đi liền với đó là thói quen ép nhau, thách thức nhau uống rượu, bia tới cùng.

Rượu bia được uống mọi lúc, mọi nơi. Buồn cũng rượu bia, vui cũng bia rượu và nhất là trong quan hệ công việc lại càng cần phải có rượu, có bia. Điều đó không chỉ làm xấu đi nét đẹp văn hóa trong tục chúc rượu, mà còn gây nên những hậu quả khôn lường, đặc biệt nếu sau đó điều khiển phương tiện dẫn đến TNGT.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2018, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ tới 8,4 lít cồn nguyên chất trong 1 năm, nhiều hơn người Trung Quốc (7,2 lít) và gấp 4 lần người Singapore (2 lít).

Do đó, những quy định trong Luật mới hiện nay rất đúng và cần thiết. Cụ thể, ngoài cấm người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn, kể cả xe đạp và những phương tiện thô sơ khác, còn cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia... Tôi cho rằng, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, nhất là từng cán bộ, công chức và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ ở mỗi địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi trước đó ta đã thành công khi thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm...

Phần lớn các trường hợp kiểm tra không vi phạm nồng độ cồn, nhưng cũng có không ít các trường hợp đã bị lập biên bản xử lý do vi phạm. Ảnh: P.V

Vấn đề nhiều người lo lắng về việc ăn một số thực phẩm lên men khi tham gia giao thông vẫn có thể “dính” nồng độ cồn khi thổi, trên thực tế tại địa bàn Nghệ An qua kiểm tra chưa phát sinh vấn đề này.

Tuy nhiên, điều này không phải là không có căn cứ. Thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể. Đặc biệt, một số loại hoa quả như vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài... Tuy nhiên, người dân hoàn toàn có thể yên tâm bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và bị bay hơi sau một thời gian ngắn.

P.V: Vậy, ông có thể cho biết về kế hoạch triển khai của lực lượng CSGT tỉnh trong thời gian tới?

Đại tá Cao Minh Phượng: Trên cơ sở tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, từ lúc 0h ngày 1/1/2020, chúng tôi đã triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Theo số liệu tổng hợp, trong 5 ngày đầu ra quân đã có 51 trường hợp vi phạm. Trong đó, 16 trường hợp là ô tô, 35 mô tô.

Đặc biệt, đang là đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu Xuân năm 2020, lực lượng CSGT Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quân số, tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm. Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra mạnh vào buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông.

Tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ. Ảnh tư liệu P.V

Theo đó, sẽ chỉ đạo các đội, trạm phối hợp với Công an các địa phương tích cực tuyên truyền và triển khai kiểm tra, xử lý thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài ra, lực lượng CSGT Công an 21 huyện, thành, thị đồng loạt triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý.

Tin rằng, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, đi liền với đó là xử nghiêm các trường hợp vi phạm ngay từ những ngày đầu, chắc chắn văn hóa bia, rượu của người Việt nói chung, của người dân Nghệ An nói riêng sẽ thay đổi, từ đó hướng đến văn hóa uống rượu, bia có trách nhiệm và dĩ nhiên TNGT năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ giảm.

P.V: Xin cám ơn ông!