"Ông Putin không chúc mừng ông Zelensky đã được bầu làm tổng thống mới của Ukraine mà ra sắc lệnh tạo điều kiện thuận lợi và xử lý nhanh việc người dân Ukraine ở những vùng lãnh thổ ly khai chính phủ Ukraine nhận hộ chiếu Nga, tức là được coi như công dân Nga, có quốc tịch Nga và được nhà nước Nga bảo hộ mọi quyền công dân. Sắc lệnh này của ông Putin còn áp dụng cho cả những người Ukraine hiện đang sống và làm việc ở Nga. Ông Putin còn đi xa hơn cả như thế khi ngỏ ý rằng nước Nga sẵn sàng cho tất cả hơn 40 triệu người Ukraine nhập quốc tịch Nga" - Đại sứ Trần Đức Mậu viết:

"Ông Zelensky đáp trả bằng ý định sẽ cho phép công dân Nga dễ dàng nhập quốc tịch Ukraine. Trên danh nghĩa và về chính trị, như thế là có đi có lại và ăn miếng trả miếng, là ngang bằng và người sao ta vậy. Trên thực tế đâu có mấy người Nga xin nhập quốc tịch Ukraine trong khi sẽ có nhiều triệu người Ukraine muốn nhập quốc tịch Nga".

160734-1.jpgTổng thống Nga Vladimir Putin.
"Báo chí Phương Tây cho rằng ông Putin tung ra chiêu thức này để nhằm giải quyết vấn đề suy giảm dân số hiện tại ở Nga. Có thể như vậy nhưng cũng có thể không hẳn như vậy. Điều chắc chắn là nếu có như vậy thì đấy không phải là mục đích hàng đầu của ông Putin.
Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine mà kết quả của mọi cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông Selensky sẽ đánh bại tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko - người luôn coi Nga như kẻ thù không đội trời chung của Ukraine -, Nga đã tung đòn ngừng cung ứng dầu và sản phẩm từ dầu cho Ukraine từ đầu tháng 6 này, tức là làm cho Ukraine bị thiếu hụt ngay 40% khối lượng cung ứng để đáp ứng nhu cầu. Ông Putin không chúc mừng ông Zelensky đắc cử tổng thống và giờ kích hoạt cái gọi là "cuộc chiến hộ chiếu" hay nói cho văn vẻ hơn là chơi "ngoại giao hộ chiếu".

"Cái hiểm ở đây là hệ lụy và tiền lệ. Một khi Nga đã cấp hộ chiếu cho người Ukraine ở Ukraine thì những người này đồng thời là công dân Nga và Nga có trách nhiệm bảo hộ. Phương Tây và phía Ukraine lo ngại rằng ông Putin ban hành sắc lệnh này để khi cần sẽ có cớ chính thức can thiệp chính trị cũng như quân sự vào Ukraine bởi chỉ cần những công dân mới này "kêu cứu" thì phía Nga có lý do chính đáng và hợp pháp để hành động mà các đối tác bên ngoài không thể phê trách gì được. Phương Tây và phía Ukraine có lý do để lo ngại vì đã có tiền lệ là Nga đã cấp hộ chiếu Nga cho những người  ở vùng Nam Ossetia và Abkhazia ly khai Grudia và năm 2008 đã dùng chính lý do ấy để can thiệp quân sự vào hai khu vực lãnh thổ này".

Nga-Ukraine khẩu chiến tại Hội đồng Bảo an về vấn đề hộ chiếu.

"Không có gì là khó hiểu khi Nga không muốn ông Poroshenko tiếp tục cầm quyền ở Ukraine. Nhưng Nga thừa hiểu là ông Zelensky cũng không thân thiện với Nga, có thể sẽ xử lý khác người tiền nhiệm chuyện quan hệ của Ukraine với Nga, nhưng chắc chắn cũng lại cứng rắn với Nga. Ở ông Poroshenko, Nga có thể dự liệu được người này sẽ hành xử như thế nào trong khi ở ông Zelensky Nga không thể biết người này ngày mai sẽ hành xử như thế nào trong quan hệ của Ukraine với Nga và trong mọi chuyện có liên quan đến lợi ích của Nga".

"Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc chiến hộ chiếu giữa Nga và Ukraine phản ánh ông Putin không thật sự tin tưởng rằng mối quan hệ song phương này sẽ được cải thiện ở thời Ukraine có tổng thống mới. Nó cho thấy phía Nga tiếp tục gia tăng áp lực và gây khó cho chính quyền Ukraine. Nó phục vụ cho mưu tính của Nga là tạo thế và tăng thế trong quan hệ với Ukraine để nếu rồi đây có đối thoại trực tiếp với Ukraine thì cũng ở trên thế mạnh hay như nếu tiếp tục khuôn khổ đàm phán 4 bên ở Minsk (Belarus) thì cũng ở thế có lợi nhất cho Nga".

"Qua đó cũng còn có thể thấy là Nga hiện không sốt ruột hay vội vàng với việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Ukraine. Một khi đã chấp nhận và có đối sách thích ứng với những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU thì Nga không có nhu cầu cấp thiết về giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Ukraine. Những vấn đề này càng dai dẳng thì trong thực chất càng thêm bất lợi cho EU, Nato và chính quyền ở Ukraine chứ không phải cho Nga" - Đại sứ Trần Đức Mậu khẳng định.