Cuộc sống ở Việt Nam đã khơi gợi cảm hứng vô bờ cho Đại sứ Hy Lạp Nikos Kanellos, khiến ông vẽ hàng trăm bức tranh hơn 3 năm qua.

Đại sứ Hy Lạp Kanellos chia sẻ với VnExpress. Video: Trần Huấn.

Bước vào căn phòng trên một khu cao tầng gần Hồ Tây của ông Kanellos, khách đến không khỏi choáng ngợp trước nhiều bức tranh sơn dầu treo dọc hai bên tường. Các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật và chân dung mang những khối màu sắc nét, dữ dội được bài trí đầy cuốn hút. 

"Tôi như bị thôi thúc, gần như ngày nào tôi cũng vẽ. Đây là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm này", ông Kanellos chia sẻ vớiVnExpress.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu đến Việt Nam, năm 2014, Đại sứ Hy Lạp khi đó mang trong mình niềm đam mê tìm hiểu về con người, văn hóa, phong cảnh mà ông biết đến trong những câu chuyện thời chiến tranh. Cách đây hơn 50 năm, khi ông Kanellos còn là sinh viên, Việt Nam đã tạo một ấn tượng sâu sắc, ông chứng kiến nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hy Lạp phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Với mái tóc xoăn, bạc trắng, cách nói chuyện nhẹ nhàng và đôi mắt ướt, ông Kanellos mang phong cách của một nghệ sĩ nhiều hơn là một nhà ngoại giao. Ông kể mình đã đi đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam, gặp gỡ rất nhiều người từ Bắc, đến Trung và Nam. Ở đâu ông cũng thấy những người dân thân thiện, tốt bụng và "thường xuyên nở nụ cười" lạc quan. Ông đặc biệt đề cao sự tận tâm trong công việc của người Việt Nam, từ những người nông dân làm việc trên cánh đồng lúa, cánh đồng hoa, đến những người làm trong các lĩnh vực nghệ thuật mà ông kết giao.

"Tận mắt thấy khung cảnh ở Việt Nam, những cánh rừng, những ngọn núi, và hơn hết là vẻ đẹp của con người, hoà trộn giữa nét đẹp của văn hoá và lịch sử, trong tôi trào lên nhiều trạng thái cảm xúc và khát khao được bộc lộ để chia sẻ", Đại sứ nói. 

Sau mỗi chuyến đi, hoặc chỉ đơn giản là một ngày bình thường, khi trở về nhà ông đều bước vào phòng vẽ để lưu lại những gì mình cảm nhận. Đó là những khoảnh khắc buồn, vui, khiến ông suy tư nhiều. 

Trong căn phòng nhỏ kế bên phòng khách, ông Kanellos tháo bỏ bộ đồ complet, chăm chú đứng pha màu, không gian xung quanh hoàn toàn tĩnh lặng, ông chau chuốt lại bức tranh đang vẽ dở. Đó là gương mặt một người phụ nữ bị mất đi đôi cánh thiên thần, vì cô gặp phải những đau buồn và sóng gió trong cuộc sống. 

Đại sứ nói vui mỗi khi có ai đứng bên cạnh thì ông khó mà vẽ được, đây là căn phòng hoàn toàn riêng tư, tâm trí ông chỉ có thể bay bổng khi chỉ có một mình.

"Chúng ta ai cũng mong tìm thấy những ánh sáng trong cuộc sống, hy vọng tương lai tốt đẹp hơn, đó là nhu cầu bản năng của con người. Ở Việt Nam, mọi người hướng đến chữ Phúc, vì thế tôi cố gắng đi tìm thêm những ánh mặt trời mới, những chữ Phúc mới trong tranh của mình", Đại sứ nói. 

Trong số hàng trăm bức tranh sơn dầu của ông Kanellos, điều dễ nhận thấy là ông dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội. Những mái nhà, những góc phố, hình bóng con người hoặc đơn giản là những đoá hoa, hiện lên đầy sống động dưới nét vẽ của ông. Đại sứ đã tổ chức ba cuộc triển lãm tranh về Hà Nội, cùng bạn bè là các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Ở các nước khác, Đại sứ đã có 19 cuộc triển lãm. 

Sống ở Hà Nội giúp ông Kanellos có những niềm vui nhỏ. Ông đã quen với việc thức dậy sớm mỗi sáng,đi bộ quanh Hồ Tây, nói chuyện với mọi người, hoặc nghe nhạc để tận hưởng cảm giác thư thái.Đại sứ còn thích được chứng kiến cảnh các em học sinh Hà Nội hát quốc ca và chào cờ mỗi sáng thứ hai. 

Ông Kanellos tiết lộ phải đến năm 1996, đam mê vẽ tranh của ông mới được khơi gợi, khi ông đến một số nước châu Âu công tác. Trước đó, thời còn ở Hy Lạp, ông chủ yếu viết sách. Thú vui vẽ tranh khiến công việc ngoại giao của ông thuận lợi hơn, khi ông hiểu mọi người hơn, trở nên nhạy cảm hơn.

Từng được được trao nhiều giải thưởng ở nhiều nước, ông Kanellos cho hay khi một người cầm cọhọ muốn thể hiện thế giới bên trong, để chia sẻ với những người xung quanh.

"Điều khác biệt duy nhất khi tôi trở lại làm quan chức là mặc bộ vest và đeo cà vạt. Thế giới bên trong của tôi vẫn vậy", ông nói.

Trong hơn ba năm ở Việt Nam, Đại sứ chưa từng đi đến nước nào khác, vì ông muốn khám phá nhiều điều ở đây. Việt Nam cũng là nước châu Á đầu tiên ông Kanellos đến làm việc trong sự nghiệp ngoại giao gần 40 năm. Đại sứ từng là đại diện của Hy Lạp ở Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Slovakia. 

Khá tự tin rằng mình hiểu rõ văn hoá Việt Nam, ông Kanellos khoe có thể "ăn được tất cả các món người Việt ăn".

"Nhưng trừ một món, thịt chó!", ông cười lớn, nói. 

Thoáng chút, ông Kanellos trở nên trầm ngâm, khi cho biết ông sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng tới. Ông đang thu xếp chuyện công và việc riêng, bao gồm cả việc gói gém hàng trăm bức tranh ông đã dành bao tâm huyết. 

Đại sứ mong rằng người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết, gần gũi của Hy Lạp và Việt Nam, thúc đẩy những kế hoạch ông đang xúc tiến. Còn nhiều việc cần làm trong tương lai, phụ thuộc vào nhịp độ của cả hai bên và Đại sứ tin rằng hợp tác giữa hai nước có rất nhiều triển vọng. Dự kiến khi trở về Hy Lạp, ông Kanellos sẽ cho ra mắt cuốn sách ông đã viết ở Việt Nam, với nội dung về việc tìm kiếm niềm hạnh phúc của con người.

Đứng tần ngần bên khung cửa sổ rộng lớn, trông ra toàn bộ Hồ Tây phía xa, ông Kanellos cho biết mình chưa biết rõ khi nào mới trở lại.

"Bạn hỏi tôi có trở lại hay không ư? Tương lai là điều chúng ta chưa biết trước, mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ không nhớ Việt Nam đâu, vì tôi đã mang theo mình tình yêu sâu sắc với nơi này rồi", ông Kanellos nói.

Một tác phẩm về Hà Nội của Đại sứ Kanellos. Ảnh: NVCC.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN