Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII: Thanh niên mong muốn điều gì?

Hôm nay (27/12), Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 – 2019 chính thức khai mạc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của thanh niên cả nước, ngày hội đoàn kết các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên. Nhân sự kiện này, nhiều sinh viên, thanh niên đã chia sẻ những trăn trở về các vấn đề thiết thực như hướng nghiệp, tạo việc làm, lối sống thanh niên…

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Bạn Phạm Hà Thu, sinh viên năm 2 - Đại học Ngoại thương, chia sẻ: “Là một đoàn viên, thanh niên, tôi mong muốn Đại hội LHTN Việt Nam lần thứ VII tập trung được trí tuệ của tất cả các đại biểu tham gia; đồng thời hy vọng rằng Đại hội sẽ hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam là những người có tài, có tâm để vị thế của người trẻ Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, Hội LHTN cần phải thể hiện rõ vai trò đi tiên phong, dẫn đầu cho tuổi trẻ, xứng đáng là tổ chức thanh niên lớn nhất tại Việt nam. Tôi mong rằng, Đại hội sẽ trở thành một diễn đàn chính trị, thực sự là một ngày hội lớn của các tầng lớp thanh niên cả nước”.

Đã và đang tham gia một số phong trào sinh viên, thanh niên ở cơ sở, song điều khiến Thu trăn trở là nhận thức, lối sống ở một bộ phận các bạn trẻ hiện nay thật đáng quan tâm. Thu cho rằng, hiện nay không ít thanh niên không chịu khó lao động, học tập, không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội. Tình trạng phạm tội trong thanh niên có xu hướng gia tăng, tệ tham nhũng, quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Do đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là công tác then chốt mà Hội LHTN có thể thực hiện để giúp các bạn trẻ phát triển đúng hướng.

"Tôi mong muốn Đại hội sẽ đưa ra những đề xuất thiết thực, làm thế nào thay đổi nhận thức về lối sống của các tầng lớp thanh niên trong thời kỳ hội nhập. Làm sao để thường xuyên phát hiện nêu gương điển hình, xây dựng và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên”, Hà Thu đề xuất.

Là sinh viên chuẩn bị ra trường, Trần Mai Linh (SV trường ĐH Ngoại thương) quan tâm tới nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHTN Việt Nam trong nhiệm kỳ tới là chương trình hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên.

Mai Linh cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù Hội LHTN Việt Nam đã tích cực tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp, song thực trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm vẫn rất phổ biến. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Song có thể thấy, một thực trạng chung là chương trình đào tạo, dạy nghề trong các trường hiện nay vẫn còn thiên về lý thuyết, ít thực hành, dẫn đến việc sinh viên ra trường tay nghề chưa cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng ít quan tâm tới sinh viên mới ra trường vì thường họ phải mất một khâu đào tạo lại từ đầu, gây lãng phí cho xã hội, cho doanh nghiệp và cho chính bản thân những người đi học.

“Chính vì vậy, ngoài việc đổi mới công tác giáo dục và đào tạo nghề ở nhà trường, các cấp Hội cần quan tâm, sát sao hơn nữa để giúp thanh niên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động một cách nhanh nhất”, Mai Linh bày tỏ.

Trần Đạt, sinh viên năm 2, Học viện Ngân hàng cũng mong muốn Hội đi thẳng vào những vấn đề thanh niên cần hiện nay như giúp tìm kiếm việc làm, học tập nâng cao trình độ, trang bị kỹ năng... vì như thế hình ảnh của Hội sẽ gần gũi, thiết thân với đời sống thanh niên.

Dõi theo những kết quả đạt được của Hội LHTN Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, Trần Đạt tự hào khi thấy những màu áo xanh tình nguyện luôn gắn bó với cuộc sống cộng đồng trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, hiến máu tình nguyện, chăm lo cho người nghèo… Trên đồng ruộng, trong nhà máy, cơ quan, từ thành thị đến nông thôn đều in dấu bàn chân của những chiếc áo xanh.

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, Đạt cho rằng dường như thông tin của Hội đến với thanh niên chưa nhiều, chưa rộng nên có khi thanh niên muốn tìm hiểu, đăng ký tham gia hoạt động nhưng không biết tìm ở đâu. Đặc biệt là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có nhiều sân chơi để tham gia. “Tôi mong muốn Hội có thêm nhiều cách để gần gũi với thanh niên. Hãy làm cho thanh niên nhận thức rằng, Hội là nơi có thể gửi gắm những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tâm huyết hoặc sẻ chia những trăn trở, lo toan, nơi có thể tìm thấy niềm tin, sự lạc quan để bước vào cuộc sống muôn màu. Hội cũng là nơi đánh thức ý thức trách nhiệm trong thanh niên bằng các hoạt động có ích cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Hội hãy luôn là người bạn đồng hành, khơi dòng cho những ý tưởng sáng tạo trong thanh niên thông qua nhiều hình thức tổ chức theo nghề nghiệp, sở thích”, Trần Đạt chia sẻ./.

Theo VOV

Tin mới