Thi đấu 12 trận, thua 8 trận và chỉ thắng được 3 trận là thành tích khó chấp nhận. Trong quá khứ, đội bóng xứ Nghệ đã từng rơi vào tình cảnh này ở mùa bóng 2018. Với dàn sao Ngọc Hải, Khắc Ngọc, Michael Olaha, đội bóng xứ Nghệ vẫn khép lại 12 trận đấu tiên với 6 trận thua, 5 trận hòa thắng duy nhất 1 trận.
Không có chiến thắng nào trên sân Vinh thời điểm đó và mọi thứ chìm trong khủng nhưng ở giai đoạn lượt về, đội bóng xứ Nghệ trỗi dậy với 8 trận thắng liên tiếp để cán đích vị trí thứ 4 chung cuộc. Thành tích đó sẽ khó mà lặp lại vì những ngôi sao ngày ấy phần lớn đã ra đi, thể thức V.League 2021 cũng buộc SLNA phải thi đấu 7 trận ở giai đoạn lượt về với mục tiêu trụ hạng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của Phan Văn Đức là trận đấu gặp CLB Hà Nội trên sân Vinh trước khi ổn định lại lực lượng cho giai đoạn II. Đây là cơ hội cuối để SLNA cải thiện chút điểm số, tránh nguy cơ phải xuống hạng.
CLB Hà Nội mùa này cũng không còn là chính mình. Sau khi chia tay HLV Chu Đình Nghiêm, CLB có tân HLV trưởng Park Chung-kyun thì thành tích của đội bóng thủ đô vẫn chưa làm yên lòng người hâm mộ. Sau 12 trận, Hà Nội thắng 5, hòa 1 và thua 6.
Thành tích này khiến đội khách buộc phải thắng mới có thể hy vọng vào nhóm 6 đội và phải chờ kết quả ở các cặp đấu khác. Có thể nói, CLB Hà Nội vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và khi phải làm khách SLNA trong tình cảnh này cũng là một thử thách đối với họ.
SLNA không còn gì để mất và trong thế dựa chân tường, rất có thể Hà Nội sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ đội bóng xứ Nghệ. Thực lực không mạnh, nhưng với lợi thế sân nhà và nếu làm tốt công tác tư tưởng, SLNA hoàn toàn có thể làm một điều gì đó trước đối thủ này.
Trong quá khứ 25 lần đụng độ, SLNA đang lép vế về thành tích đối đầu khi thắng 5 và hòa 10 và thua 10. Còn nhớ ở V.League 2020, SLNA chính là đội bóng phá kỷ lục bất bại tại Hàng Đẫy của Hà Nội sau nhiều năm bằng bàn thắng duy nhất của Đặng Văn Lắm. Kể từ đó, Hà Nội không còn là nỗi ám ảnh của SLNA.
Về tình hình lực lượng, SLNA đang thi đấu với một đội hình chắp vá khi không có Văn Khánh, Igor Jelic. Về chất lượng ngoại binh lẫn nội binh, Hà Nội cũng ở một đẳng cấp khác so với SLNA. Tuy nhiên, vấn đề của Hà Nội là tâm lý buộc phải thắng, sự thiếu ổn định dưới thời tân HLV trưởng và tâm lý.
Lý giải cho thành tích yếu kém của Hà Nội, có thể vì chấn thương của những trụ cột như Văn Hậu, Đình Trọng, Hùng Dũng… Đội bóng thủ đô để thủng lưới đến 14 bàn nhưng hàng công của họ vẫn rất mạnh với 17 bàn thắng. Trong đó, Geovane có 6 bàn và Bruno Catanhede có 3 bàn. Thành tích ghi bàn của ngoại binh Hà Nội chưa thể gọi là tốt, nhưng vẫn “cân” được tổng số bàn thắng mà SLNA ghi được (7 bàn).
Bất lợi và mối lo của SLNA sẽ là bài toán bóng bổng khi thiếu cặp trung vệ tốt nhất của mình là Văn Khánh, Igor Jelic. Các trung vệ Thế Nhật - Bá Sang hay những vị trí khác phần lớn đều có chiều cao dưới 1m80. CLB Hà Nội thì lại rất giỏi ở những tình huống cố định và có những cầu thủ đánh đầu rất tố như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung… Rất nhiều bàn thua SLNA đã đến ở những tình huống cố đình ở mùa này.
Dù khó nhưng bóng đá không thể nói trước được điều gì. Điều cần làm lúc này với SLNA là thoải mái tư tưởng và chơi một trận “ra trò” để xốc lại tinh thần. HLV Nguyễn Huy Hoàng với chất thép, sự máu lửa và kinh nghiệm trận mạc của mình là điều có thể giúp các cầu thủ tìm sự tự tin. Trận đấu gặp Hà Nội ngày 7/5 tới đây xứng đáng là trận đấu các cầu thủ SLNA phát huy hết những gì mình có. Đặc biệt là yếu tố tinh thần và sự quyết liệt.