Phiên làm việc cuối cùng trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội trên nghị trường đã kết thúc chiều nay 27/10, với tất cả 88 đại biểu nêu ý kiến.
Nhiều vấn đề nổi cộm trong dư luận tiếp tục được nêu lên trên nghị trường và đề nghị Chính phủ sớm giải quyết.
Về công tác tư pháp, ông Nguyễn Chiến – Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử; quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm.
Đề cập đến vụ việc vừa qua người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ông cho “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình".
Theo ông, việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.
-“Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Chiến nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.
“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đồng ý với ông Nguyễn Chiến về những bất cập trong nghị định số 96 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
"Đây là một ví dụ điển hình trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa sát với thực tiễn. Tôi hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đề xuất hướng xử lý bất cập của quy định này trong thực tế qua một vụ việc cụ thể", bà Hoa nói.
"Tiềm năng lớn nhưng vị trí trên bản đồ thế giới còn khiêm tốn"
Dẫn một số tài liệu nghiên cứu, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, đứng thứ 15/243 quốc gia, vùng lãnh thổ; diện tích đứng thứ 61; đường duyên hải đứng thứ 33/154 quốc gia có đường duyên hải; đất canh tác đứng thứ 32/236 quốc gia.
"Như vậy Việt Nam nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực về dân số, diện tích đất canh tác và chiều dài đường duyên hải", bà nói,
Tuy nhiên, với tiềm năng không nhỏ như trên thì Việt Nam vẫn có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới ở một số khía cạnh khác. Đó là, thu nhập bình quân đầu người 129/180 quốc gia; chỉ số ô nhiễm môi trường đứng thứ 132; chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 107; chỉ số phát triển con người đứng thứ 116, chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá.
Như vậy, nếu xét các chỉ số nêu trên thì Việt Nam chỉ nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm sau của thế giới.
"Thời gian tới chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều việc cần phải làm và phấn đấu", bà Hoa nhấn mạnh.
“Mừng và lo”
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho rằng, tình hình đất nước đang có 6 điều “mừng và lo”.
Đầu tiên, mừng về đường lối chủ trương nghị quyết của Đảng ban hành sát hợp, lo vì việc triển khai thực hiện có đúng, kịp thời và quyết tâm không?.
Cùng với đó, mừng về tăng trưởng kinh tế, nhưng lo về đạo đức xã hội xuống cấp; vẫn còn những mảnh đời, những gia đình khó khăn, thậm chí có gia đình bế tắc trong cuộc sống phải tự vẫn như trường hợp gần đây ở Hà Tĩnh.
“Mừng về thực hiện chương trình mục tiêu nông thôn mới, nhưng lo tình trạng tái nghèo, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn và kể cả ở thành thị. Dạng tội phạm mới như ma túy, tín dụng đen, xâm hại trẻ em diễn ra ở những nơi được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới”, ông Việt nói.
Ông cũng chia sẻ mừng vì Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nhưng lo là “trên nóng dưới chưa nóng, xử lý không đúng người, không đúng tội”.
Bao giờ Việt Nam có “công nghiệp văn hóa”?
Nhắc lại 2 kỳ họp trước đã nêu vấn đề văn hóa và đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Chính phủ song ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết "đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng”.
Ông nói thêm, vấn đề đặt ra là nhận thức về vai trò của văn hóa là nền tảng, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đã đi vào cuộc sống hay chưa? Đến bao giờ nhận thức, hành động cụ thể chứ không phải coi văn hóa chỉ là "đàn ca, múa hát".
Nói tới khái niệm "công nghiệp văn hóa", đại biểu thành phố Hà Nội nhìn nhận, ở các nước phát triển đây là ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, củng cố sức mạnh mềm quốc gia... Còn ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa mới ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nguồn thu kinh tế từ văn hóa chưa được bao nhiêu.
"Sự thiếu chuyên nghiệp đã làm lãng phí tiềm năng văn hóa của Việt Nam", ông Hưng nêu.