Các đại biểu Quốc hội gồm các ông: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách.
NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM
Tại hội nghị, cử tri 3 phường đã có nhiều ý kiến bày tỏ nhiều nguyện vọng, kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Dinh, phường Hưng Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, kèm với ban hành các Luật thì sớm ban hành các văn bản dưới luật đi kèm để sớm thực thi.
Cử tri Phan Đăng Luyện bày tỏ phấn khởi trước kết quả công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua, củng cố niềm tin trong nhân dân và đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri Nguyễn Hữu Thanh, phường Lê Mao bày tỏ phấn khởi khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Theo cử tri Thanh đề nghị ban chỉ đạo này nhất thiết phải do bí thư các tỉnh, thành ủy làm trưởng ban để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Ý kiến cử tri 3 phường: Lê Mao, Hưng Phúc và Hưng Bình bày tỏ quan tâm đặc biệt đến môn Lịch sử nên là môn học bắt buộc hay tự chọn. Ông Trần Công Bình, phường Hưng Bình bày tỏ, môn Lịch sử không thể là môn học tự chọn, mà cần phải là môn học bắt buộc. Nhiều ý kiến cử tri cũng chia sẻ quan điểm này và đề nghị Quốc hội có ý kiến thống nhất ngay tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Cũng trong lĩnh vực Giáo dục, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, việc đổi mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo là cần thiết, tuy nhiên bộ sách giáo khoa cần phải ổn định, sử dụng được lâu dài, không nên thay sách giáo khoa thường xuyên gây tốn kém cho người dân. Cử tri cũng cho rằng, giá sách giáo khoa hiện nay tăng lên cao, cần phải được điều chỉnh để có mức giá hợp lý hơn.
Tại hội nghị, ý kiến nhiều cử tri cũng phản ánh các vấn đề liên quan đến thực hiện các chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân; công tác quản lý xây dựng, bán và vận hành, quản lý công dân trong nhà chung cư trên địa bàn thành phố gây bất cập, khó khăn cho người dân.
Ý kiến cử tri cũng mong muốn Nghệ An nắm bắt, khai thác hiệu quả Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh để phát triển nhanh, bền vững.
Cử tri cũng đề nghị xem xét lại mức lương tối thiểu vùng ở Nghệ An, theo đó cần nâng lên để nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút lao động; nâng cao chất lượng đảng viên; rà soát đưa ra khỏi Đảng những đảng viên nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng; tiến hành giám sát để thúc đẩy các dự án trên địa bàn thành phố Vinh, đồng thời thu hồi các dự án chậm tiến độ; chống lãng phí về đất đai; phát triển ngành du lịch tỉnh đúng tầm cỡ, vị thế;…
Liên quan các ý kiến của cử tri, lãnh đạo một số sở, ngành như: LĐ-TB&XH, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo đã trả lời làm rõ các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, trên cơ sở phản ánh của cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý giao TP. Vinh thực hiện 3 nội dung: đó là có giải pháp giải quyết liên quan đến chung cư Bảo Sơn; đồng thời vào cuộc kiểm tra trả lời đầy đủ, thẳng thắn cho phản ánh của một cử tri về giải quyết hồ sơ để kéo dài liên quan đến giải quyết chế độ chính sách; cùng với đó TP. Vinh phối hợp với Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh rà soát, làm việc với các đảng viên sau khi về hưu không tham gia sinh hoạt Đảng.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi với cử tri 5 thành công lớn của nước ta trong thời gian qua là: kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19; phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả rất tốt; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả rất tốt, nhiều vụ án tham những lớn, tiêu cực đã được đưa ra truy tố, xét xử theo tinh thần không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đảm tính nghiêm minh cao, đồng thời rất nhân văn; nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao đương chức, nghỉ hưu vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng cũng đã bị xử lý nghiêm minh.
Cùng với đó, công tác đối nội, đối ngoại của nước ta đạt kết quả rất tốt; niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào chế độ chính trị của nước ta không ngừng được củng cố và tăng cường.
Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến cũng trao đổi về kết quả của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; qua đó khẳng định nhiều nội dung các cử tri quan tâm đã được Trung ương Đảng bàn bạc thấu đáo và sẽ giải quyết trong thời gian tới.
Trong đó, Trung ương đã bàn ra nghị quyết về chủ trương, chính sách về đất đai thay thế cho Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 với định hướng mong muốn là phát huy những mặt tốt để có nguồn lực xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời khắc phục những yếu kém và quan trọng hơn là quản lý chặt chẽ hơn không để tài nguyên đất đai bị thất thoát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đất đai.
Quốc hội sẽ tiến hành khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 một cách tích cực, thận trọng, lắng nghe nhiều ý kiến, đặc biệt là lấy ý kiến của nhân dân ở những nội dung quan trọng và lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đối với nội dung về môn Lịch sử ở bậc THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ông Đỗ Văn Chiến cho biết: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có kiến nghị chính thức bằng văn bản tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới, theo đó sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Quan điểm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc, không thể là môn tự chọn.