(Baonghean.vn) - Đoàn ĐBQH Nghệ An thống nhất phương án tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, điều các đại biểu lo lắng nguồn vốn để cân đối đủ 23.000 tỷ đồng để thực hiện dự án này.
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94. Dự kiến sẽ thu hồi hơn 5.614 ha cho dự án, nhiều hơn 614,65 ha so với diện tích được Quốc hội khóa XIII thông qua, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không, còn lại là đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang.
Tổng kinh phí dự kiến cho triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khoảng 23.000 tỷ đồng. Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An đồng tình với phương án tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chiều 1/6, đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại tổ với đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Trà Vinh và TP. Đà Nẵng về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận. Cùng dự có đại biểu Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu đoàn Lai Châu. |
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, dự án thành phần này có diện tích thu hồi và nguồn kinh phí thực hiện rất lớn. Cho nên khi thực hiện “phải hết sức tính toán” để đảm bảo hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đoàn Nghệ An) cũng hoàn toàn nhất trí với đề xuất tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua về mặt chủ trương tách ra dự án thành phần để thực hiện việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Sau đó, Chính phủ có báo cáo khả thi đối với dự án thành phần này để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh: “Trong báo cáo khả thi của dự án thành phần này có những vấn đề cần phải làm rõ hơn nữa để đảm bảo phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện thực sự hiệu quả, đảm bảo về mặt thời gian”.
Theo bà Vân Chi cần làm rõ phương án bố trí nguồn vốn vì như dự kiến bây giờ thì mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng/23.000 tỷ đồng; đồng thời phải có phương án khai thác, sử dụng đất đã thu hồi hiệu quả để tránh mất đi mất những chi phí cơ hội về việc sử dụng đất đã thu hồi khi dự án mà chính chưa được triển khai.
Nguồn vốn của dự án thành phần còn thiếu khoảng 18.000 tỷ đồng sẽ huy động từ đâu cũng là vấn đề được Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền đặt ra.
“Về phần vốn, nếu giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh thì theo khái toán cần 23.000 tỷ đồng nhưng vốn trung hạn đến năm 2020 mới cân đối 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đang tính đến là đấu giá quyền sử dụng đất, thu cấp quyền sử dụng đất, thu tiền thuê đất ngắn hạn. Tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức khó khăn”, đại biểu Thanh Hiền đánh giá.
Mặc dù, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành từ 2 năm trước nhưng việc triển khai thực hiện được đánh giá là chậm. Do đó, bên cạnh việc đồng tình cao với chủ trương tách dự án thành phần, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi: Quyết tâm của Chính phủ có chắc chắn dự án triển khai đồng bộ khi Quốc hội thông qua hay không”? vì thời gian triển khai dự án rất dài.
“Tôi muốn hỏi chỗ này để chúng tôi yên tâm khi cử tri hỏi quyết tâm của Chính phủ như thế nào? chứ hai năm vừa rồi dự án triển khai hơi chậm”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đại biểu đoàn Lai Châu Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, công tác giải phóng mặt bằng phải thực hiện dứt điểm để có mặt bằng sạch thuận lợi cho phục vụ dự án.
Tuy nhiên về nguồn kinh phí còn thiếu khoản 18.000 tỷ đồng cho dự án thành phần, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, Chính phủ có nêu phương án sẽ lấy từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất cho các hoạt động dịch vụ khoảng hơn 1.000 ha và khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng gợi ý thêm phương án, nếu sau khi trừ các nguồn đó còn thiếu thì lấy nguồn dự phòng của vốn đầu tư công trung hạn đến 2020.
“Chúng ta cũng ủng hộ Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ trương có rồi, quan trọng là tổ chức thực hiện cho hợp lý và đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
Nhóm PV - CTV