(Baonghean.vn)- Cho rằng với 54 dự án thủy điện sẽ đối diện nhiều rủi ro sau này như lũ lụt, mất đất, mất rừng… Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, sẽ đề nghị tỉnh hủy bỏ những dự án không cần thiết.

Sáng 9/8, các đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, có buổi tiếp xúc cử tri huyện Con Cuông.

Cùng dự hội nghị có đồng chí Hoàng Đình Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông và nhiều lãnh đạo ban ngành….

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy phát biểu tại hội nghị.

Sau khi báo cáo việc giải quyết các kiến nghị trong lần tiếp xúc, vận động bầu cử và kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, các đại biểu tiếp tục lắng nghe những phản ánh của người dân.

Theo cử tri Vi Đình Tuyển, xã Lạng Khê, hiện nay tình trạng giao thông ở địa phương đang rất khó khăn. Nhiều thôn bản chỉ có một cây cầu treo được làm từ nguồn vốn các nhà hảo tâm có tải trọng yếu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. “Cử tri xã Lạng Khê đề nghị chính quyền quan tâm hơn nữa việc đi lại của người dân, đặc biệt vào mùa mưa lũ”, cử tri Tuyển nói.

Ông Tuyển cũng thắc mắc việc nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng sau khi qua đời không có tiền cho thân nhân thờ cúng. 

Cử tri Lương Văn Ly phản ánh, đầu năm 2006, một con đường được đầu tư ở xã Bình Chuẩn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ông Ly đề nghị cơ quan ban ngành nên nhanh chóng hoàn thiện những hạng mục còn lại. “Đề nghị chính quyền cần nghiên cứu làm công trình nước sinh hoạt. Tiếp tục khảo sát xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ để phục cho bà con”, cử tri này nói thêm.

Bà con xã Châu Bình, Con Cuông chuẩn bị giống cây trồng rừng. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Còn cử tri Vi Văn Hường, Phó chủ tịch HĐND xã Cam Lâm cho biết, thủy điện Chi Khê được xây dựng trên địa bàn xã này, làm đập tràn gây ảnh hưởng đến 2 bản. Mặc dù phải giải tỏa hơn 100 ha, nhưng việc đền bù mặt bằng chưa được thỏa đáng. Ông Hường đề nghị các cấp xem xét lại mức giá đền bù hợp lý cho người dân chịu ảnh hưởng.

Tại hội nghị, nhiều cử tri cũng phản ánh về chế độ chính sách dành cho người có công với cách mạng. Cử tri Lương Trọng Bằng, cho rằng có nhiều gia đình trong chiến tranh chịu nhiều thiệt thòi như mất nhà cửa, tài sản nhưng đến nay vẫn không có hỗ trợ hay chính sách nào. Nhiều thanh niên xung phong tình nguyện phục vụ suốt nhiều năm nhưng chế độ được hưởng chưa cao….

Các cử tri dự hội nghị.

Cử tri Lương Thanh Tùng, xã Môn Sơn, phản ánh đến nay vẫn có 1 thôn của xã này còn sinh sống trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, mặc dù Chính phủ đã quyết định di dời từ lâu, chỉ để lại 30 hộ. “Mấy năm gần đây do kinh phí nên dự án không còn được triển khai. Đất sản xuất rất ít. Không được phát sinh hộ mới, làm nhà không được nên người dân ở đây rất khó khăn phát triển kinh tế. Chính quyền và vườn quốc gia thì cũng rất lúng túng”, ông Tùng nói và kiến nghị tỉnh nghiêm túc triển khai đề án này, nếu không thực hiện được nên có quy hoạch để địa phương giao cho người dân đất ở và sản xuất.

Cử tri huyện Con Cuông phát biểu tại Hội nghị.

Về vấn đề giáo dục, cử tri Lang Vi Hạnh cho rằng có nhiều bất cập trong cách sắp xếp cho con em dân tộc đi học. Học xong rồi nhưng trở về quê không có việc làm khiến nhiều em quyết định không thi.

Trong khi đó, cử tri Lê Thanh An cho rằng nguồn nhân lực ngành sư phạm càng ngày càng hiếm người tài. Ông An đề nghị Đảng và Nhà nước cần quan tâm, chính sách thu hút người giỏi thi vào ngành sư phạm.

Sau khi nghe ý kiến cử tri, đồng chí Hoàng Đình Tuấn, đã giải trình nhiều vấn đề bức xúc thuộc thẩm quyền của huyện. Người đứng đầu Huyện ủy Con Cuông xin tiếp thu ý kiến của tất cả các cử tri đồng thời hứa sẽ giải quyết nhanh chóng những vấn đề người dân đề cập.

Nghệ An hiện có quá nhiều dự án thủy điện. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Về vấn đề nông nghiệp, nhiều cử tri phản ánh đất đai các lâm trường rất nhiều nhưng của dân lại không có. Giá đất được đền bù quá thấp khi triển khai các dự án… Đặc biệt, nhiều cử tri lo ngại các dự án thủy điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho hay, theo khảo sát của công an cả tỉnh đang có 54 dự án thủy điện. “Có nơi chỉ 1 km đường sông thôi nhưng có đến 2 dự án thủy điện. Thủy điện là hướng đi đúng, nhưng quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này. Hệ lụy thứ nhất là mất đất, mất rừng. Thứ 2 là lũ ống, lũ quét và thứ 3 là tái định cư cho người dân”, vị tư lệnh ngành Công an tỉnh Nghệ An nói và cho hay công an tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề này.

Sắp tới công an sẽ tiếp tục thu thập tài liệu, tập trung phản ảnh để xem xét lại những dự án này, nếu dự án thủy điện chưa làm không phát huy được tác dụng hoặc mặc dù đã được triển khai nhưng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề mất đất, mất rừng, an ninh biên giới sẽ kiên quyết hủy bỏ.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu trả lời các cử tri tại Hội nghị.

Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Huy, cho rằng huyện Con Cuông muốn phát triển, trước tiên phải thu hút đầu tư, phải tăng cường cải cách hành chính. Ông Huy cảm ơn người dân đã gửi gắm những ý kiến, tới đại biểu Quốc hội và hứa sẽ gắng hết sức đưa những kiến nghị này tới cơ quan chức năng, sớm giải quyết và báo cáo lại với người dân. 

Tiến Hùng

Kỹ thuật: Hồng Toại

TIN LIÊN QUAN