Sáng 27/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Tha thiết đề nghị Quốc hội cho ý kiến về Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 10 (diễn ra vào tháng 10/2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 để luật sớm có hiệu lực ngay trong năm 2016, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh nhu cầu có Luật này là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đã được nêu trong Hiến pháp 2013.
Cùng chung ý kiến, ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn đại biểu TP. Hải Phòng) cho rằng, nhu cầu cần có Luật biểu tình là đảm bảo quyền con người quy định trong Hiến pháp 2013 nên việc cho ý kiến và thông qua luật là cần thiết.
Thuyết phục Quốc hội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu TP.Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối nếu các ĐBQH không được bấm nút thông qua Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ lần này. “Nhiều ĐBQH tham dự 3-4 khóa họp sẽ cảm thấy rất tiếc nếu không được bấm nút thông qua Luật Biểu tình. Nếu chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật để Quốc hội khóa XIII thông qua được thì tôi tin rằng công cuộc đổi mới, dân chủ hóa sẽ ngày càng tốt đẹp” – ĐB Khánh thẳng thắn nói.
Bày tỏ mong muốn sớm được thông qua Luật Biểu tình, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng lập luận, “trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người dân rất muốn có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của họ”.
Dẫn thắc mắc của cử tri, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) cho hay, cử tri trong và ngoài nước rất mong mỏi, quan tâm có Luật Biểu tình, họ đều đặt câu hỏi vì sao Quốc hội mãi không đưa vào chương trình và trình lấy ý kiến và thông qua luật này. Do đó, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị, dù đây là luật nhạy cảm, khó nhưng vẫn nên đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. “Nếu khó thì có thể thông qua trong 2-3 nhiệm kỳ cũng được”- ông nói.
Nói thêm về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, ĐB Nguyễn Anh Sơn cũng “phàn nàn” về công tác chuẩn bị tài liệu, xin ý kiến các ĐBQH về dự án luật của một số cơ quan xây dựng luật. Ông dẫn chứng “có những dự thảo luật gửi về lấy ý kiến đoàn đại biểu khi chỉ còn 3 ngày làm việc. Tôi không hiểu đây là sự cố tình hay vô ý, hay chỉ gửi về lấy ý kiến cho có hình thức? Hay do cơ quan trình không bố trí đủ nhân sự cho những công việc cần thiết?”.
ĐB Trần Ngọc Vinh cũng kiến nghị, cần tránh việc nhiều dự án luật đã đưa vào chương trình làm luật sau lại xin rút. “Tôi thấy lạ là khi đưa dự án luật bổ sung vào chương trình làm luật thì lý lẽ đưa ra rất xác đáng, song khi rút cũng đưa ra lý lẽ thuyết phục… Cái gì đã đưa vào chương trình thì phải quyết tâm làm, thực hiện, hạn chế việc đã lên chương trình rồi lại hủy, rút…”- ĐB Vinh nói và nhấn mạnh, không nên chuyển tiếp các luật của nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ sau và hạn chế tối đa luật đã được Quốc hội thông qua nhưng chưa có hiệu lực đã phải sửa.