Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, sáng 10/9, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật nhà ở (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định về việc trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà kể từ thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở.
Liên quan đến nhà ở công vụ, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có nhiều loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.
Loại ý kiến thứ ba, đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải.
Ý kiến khác đề nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
Quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác. Đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật nhà ở hiện hành.
Trên tinh thần đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
Nhấn mạnh sự cần thiết của nhà ở công vụ, nhưng theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cần quy định rõ đối tượng được ở và chế tài xử lý để tránh tình trạng gây dư luận không tốt như vừa qua; đồng thời tạo thuận lợi trong phân phối và sử dụng và tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. “Đối tượng này phải quy định cho rõ. Cán bộ nhưng từ mức nào, chủ chốt cấp xã, tỉnh, huyện hay ở cấp nào."
Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thời gian vừa qua dư luận và cử tri cho rằng quản lý nhà công vụ còn yếu kém, tạo nhiều dư luận xã hội không tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự thảo luật thiết kế vẫn thiên về những người có điều kiện, còn nhóm khó khăn hơn, đặc biệt là người có công là chưa được rõ.
Để tránh tình trạng khi hết điều kiện ở nhà công vụ nhưng không chịu trả nhà như hiện nay, đại biểu cho rằng chế tài xử lý vi phạm và thời hạn thu lại nhà (có thể báo trước sáu tháng) phải được quy định rõ để không gây khó khăn cho đơn vị cũng như người được điều động, luân chuyển nhận công tác mới.
Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần tổng kết, báo cáo Quốc hội về thực trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian vừa qua để các đại biểu nắm rõ và có hướng sửa đổi Luật Nhà ở cho phù hợp.
Về chính sách nhà ở xã hội, các đại biểu đề nghị ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua.
Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi.
Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, nhưng các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này, đặc biệt chỉ nên lập quỹ ở đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao.
Theo Vietnam+