Chiều 18/11, thảo luận về dự luật Du lịch (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại tình trạng hướng dẫn viên chui đang làm ảnh hướng lớn đến ngành du lịch Việt Nam.
Đánh giá hướng dẫn viên du lịch Việt Nam hiện nay “vừa thiếu vừa yếu”, đại biểu Triệu Thanh Dung dẫn chứng số liệu cả nước chỉ có 9.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, trên 7.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 8 triệu và du khách trong nước lên đến 45 triệu lượt/năm.
Đại biểu Dung chỉ ra những điểm yếu về trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, xử lý tình huống… của hướng dẫn viên và cho rằng một trong những nguyên nhân của các hạn chế trên là công tác đào tạo chưa chuyên nghiệp. Phần lớn hướng dẫn viên du lịch không xác định làm nghề lâu dài nên không có động lực phấn đấu hoàn thiện.
Theo đại biểu Dung, do việc quản lý còn nhiều bất cập nên tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui ngày càng nhiều. Có hướng dẫn viên du lịch chui là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng đồng tiền nước ngoài và xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam như trường hợp ở Đà Nẵng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên hướng dẫn viên nước ngoài xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam.
“Đà Nẵng có khoảng 60 hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động chui trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn hầu hết công ty lữ hành nhận dẫn đoàn khách Trung Quốc đều do người Việt đứng tên để đảm bảo thủ tục pháp lý, còn điều hành hoạt động do người Trung Quốc đứng sau”, đại biểu phản ánh.
Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, lực lượng lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ tốt của các quốc gia láng giềng sẽ tràn vào Việt Nam và nhân lực du lịch Việt Nam có thể mất việc ngay trên sân nhà. Vì vậy, ngay trong luật này cần thiết kế các yêu cầu riêng trong việc đào tạo nhân lực du lịch.
Nêu dẫn chứng những hành vi “chặt, chém” khách như “dịp Tết 2016 vừa qua du khách sau khi ăn xong phải trả 700.000 đồng một con ghẹ, 500.000 đồng một trái dừa”, đại biểu Mai cho rằng những hành vi như vậy làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, làm tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại chỉ khoảng 10%.
“Cần tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm như chèo kéo, chặt chém giá sử dụng dịch vụ, trộm cắp tài sản và du khách nước ngoài vi phạm pháp luật”, đại biểu Mai đề nghị.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, quan điểm xây dựng luật lần này thay đổi cách tiếp cận cho mềm mại hơn. Nghĩa là thay các quy định cấm bằng quản lý nhà nước và công cụ kinh tế.
Minh chứng cho việc mềm mại trong luật, Bộ trưởng Thiện cho biết, trên thế giới chỉ có rất ít nước quy định bắt buộc xếp hạng cở sở lưu trú. Tại châu Á chỉ còn Trung Quốc bắt buộc xếp hạng, nhưng cũng không đưa vào luật. Do đó, dự thảo lần này chuyển việc bắt buộc xếp hạng sang tự nguyện.
Với tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng Văn hóa thông tin, hiện nay hướng dẫn viên du lịch cả trong nước và quốc tế chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu thực tế. “Không phải là tất cả nhưng đó là một trong những lý do xuất hiện hướng dẫn viên du lịch chui”, Bộ trưởng nói.
Theo VNE