(Baonghean.vn) - Chiều 27/10, thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiềnđồng tình vớiphương ánthành lập kiểm ngư ở Trung ương và ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.

 » Nhiều ý kiến trái chiều về việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh
 

1509098264410.jpgĐại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đánh giá trong thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, ranh giới không rạch ròi và phương tiện cũ... nên thanh tra chưa ngăn chặn hiệu quả, các dụng cụ khai thác tận diệt làm cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Do đó, cần thiết phải có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân.  

“Tôi đồng tình với phương án thành lập kiểm ngư ở Trung ương và ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù. Tuy nhiên, kiểm ngư địa phương được thành lập trên cơ sở chuyển đổi, cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương để không tăng bộ máy, biên chế” - đại biểu Hiền nói.

Về kinh phí hoạt động cho cơ quan kiểm ngư, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đồng ý với chủ trương cho phép Cơ quan Kiểm ngư được phép sử dụng một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho các hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, quy định này chỉ áp dụng trong thời điểm hiện nay khi kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động của Kiểm ngư còn rất hạn hẹp, có thể trong thời gian tới, khi điều kiện ngân sách đảm bảo cho lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ, lúc đó quy định này không còn ý nghĩa trong thực tiễn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị không quy định nội dung Khoản 2, Điều 94 vào dự thảo Luật mà giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định khi hướng dẫn điều luật này.

Tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Internet

Cũng liên quan đến dự án luật này, vị đại biểu đến từ đoàn Nghệ An cho rằng, chínhsách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xa bờ là cần thiết.

“Việc triển khai chính sách bảo hiểm là góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo của đất nước, huy động được nguồn lực xã hội; góp phần chia sẻ trách nhiệm xử lý rủi ro với người dân” - địa biểu Thanh Hiền nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Hiền cần phải xây dựng lộ trình phù hợp với quá trình phát triển kinh tế đất nước, ngân sách quốc gia để bảo đảm tính khả thi của Luật.

Vì vậy tại Khoản 2, Điều 6 về chính sách hỗ trợ, đại biểu Thanh Hiền đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định “giao Chính phủ hướng dẫn thi hành” để triển khai trong quá trình thi hành luật, vì đây là một quy định mở, phụ thuộc vào “từng thời kỳ và khả năng của ngân sách Nhà nước”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị không nên quy định trong Luật việc giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài để nuôi trồng thủy sản, vì đây là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng đồng tình với phương án thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp Trung ương và cấp tỉnh; đề nghị Quốc hội xem xét để quy định bắt buộc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.

Đối với những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản, ông Hiền đề nghị Luật cần bổ sung hành vi “Cấm tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản chuyển đổi mục đích sử dụng khu vực biển khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”./.

PV - CTV

TIN LIÊN QUAN