(Baonghean) - Phiên thảo luận tại các tổ trong ngày làm việc thứ nhất, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII đã trở thành diễn đàn tích cực để các đại biểu đóng góp tâm huyết với các ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất đối với các vấn đề trọng tâm bám sát nội dung kỳ họp, hướng mạnh đến thực tiễn đời sống dân sinh đang cần có những quyết sách đúng đắn...

Cần bổ cứu trong điều hành, chỉ đạo

Chiều 3/8,  các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2016, các Báo cáo của UBND tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh và các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XVII.

Tại tổ 3, các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2016 do UBND tỉnh trình. Trong đó, đánh giá cao vai trò điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh với nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm các thành viên UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực; thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong giải quyết các vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong quá trình điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp. 

images1645382_hsm_9465.jpgCác đại biểu biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. Ảnh: S.M

Đại biểu Vương Quang Minh, nêu cụ thể: “Công tác điều hành của UBND tỉnh chưa quyết liệt trong việc thành lập, chuyển đổi mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã. Thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi vai trò của hợp tác xã trong vấn đề liên kết những người nông dân, tạo ra vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất". 

Cùng đề cập đến công tác chỉ đạo điều hành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền nêu: Quá trình thực hiện nông thôn mới, có một số tiêu chí chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là hiện tượng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh quan tâm rà soát, đánh giá lại cơ cấu nợ ở từng địa phương, vùng miền, từ đó có giải pháp để chỉ đạo trong thời gian tới. Trong xây dựng nông thôn mới cần quan tâm thực hiện các tiêu chí theo bộ tiêu chí nhưng không “chạy đua” về thành tích mà cần căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương.

Tìm giải pháp cho vấn đề nợ công trong xây dựng nông thôn mới

Tại tổ 4 đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông thảo luận sôi nổi với các giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu KT-XH năm 2016, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Đại biểu Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy đặt ra vấn đề tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới cao. “Ngân sách xã thu hàng năm không đáng là bao nên gánh nặng này đeo đẳng”, đại biểu Nguyễn Văn Thông bày tỏ băn khoăn.

Một vấn đề khác đặt ra tính đồng bộ và chất lượng thực sự của nông thôn mới. “Nông thôn mới dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, văn hóa và an toàn xã hội. Tuy nhiên, ở một số xã đạt nông thôn mới, mặc dù thu nhập đầu người tăng, nhưng an ninh không đảm bảo. Các tội trộm cắp, xô xát xảy ra đáng quan ngại”. Nêu lên thực tế đó, đại biểu Nguyễn Văn Thông đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta chạy theo chỉ tiêu hàng năm?” Và đề nghị: “Chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nhưng phải đảm bảo không mang nợ; bảo đảm sự đồng bộ giữa ba trụ cột...”.

"Nóng" vấn đề tăng học phí

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu thực trạng tăng đột biến ở cấp học mầm non, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học, gây khó khăn rất lớn cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Về tăng thu học phí thì ngành đã cân nhắc, lãnh đạo sở cho rằng tăng thu học phí luôn là vấn đề rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. 

Vấn đề đại biểu nêu về mức thu học phí cao so với một số địa phương trong nước, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo cần cân đối mức thu giữa các địa phương, không được thu quá cao hoặc quá thấp mà phải có sự hài hòa.

Vấn đề tăng học phí cũng “nóng” tại phiên thảo luận của tổ 2 gồm các đại biểu bầu tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên. Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Tổng Biên tập Báo Nghệ An phản ánh: Tăng thu học phí là cần thiết nhưng mức tăng phải như thế nào cho phù hợp. Ngành giáo dục cần tính toán rõ vấn đề thu - chi, tỷ lệ tăng vượt hơi cao ngay một lúc sẽ gây áp lực, tâm lý đối với người dân nói chung.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cũng nhấn mạnh, trong giải trình của ngành Giáo dục tăng học phí là do lương cơ bản tăng, nhưng cần phải tính toán trong số học sinh có bao nhiêu con em của cán bộ công chức được hưởng lương; tăng phải phù hợp với mặt bằng kinh tế. 

Chậm giao đất nông - lâm trường cho người dân

Tại tổ 4, đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông có phần thảo luận vấn đề chậm giao đất, giao rừng cho người dân. Đại biểu Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, liên quan đến việc tranh chấp đất đai với nông - lâm trường, huyện Quỳ Hợp có vụ phải xử án 4 người dân, người cao nhất 7 năm tù.

“Họp hành chỉ đạo quyết liệt nhưng trên hiện trường chậm. Các nông lâm trường vẫn xem nhẹ vai trò của huyện, xã. Đề nghị cần có các tổ công tác cùng huyện, xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đất lâm trường về cho nhân dân chưa có đất sản xuất. Bởi nếu xử lý không khéo vấn đề này sẽ làm mất an ninh trật tự, khiếu kiện đông người”, ông Nguyễn Đình Tùng trăn trở.

Trồng rừng nguyên liệu tại vùng phía Tây Yên Thành.

Đại biểu Hoàng Đình Tuấn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông cho biết, vấn đề trên cử tri huyện Con Cuông cũng đã phản ánh nhiều. Hiện tại, một số diện tích đất Công ty TNHH Lâm nghiệp Con Cuông đã làm thủ tục trả đất, nhưng hồ sơ gửi đã lâu nhưng chưa thấy triển khai giải quyết cho người dân. 

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Toàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động. Con số trên phần nào nói lên những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An gặp phải. “Điều đáng quan tâm là từ trước tới nay chúng ta mới dừng lại thống kê chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này”, đại biểu Cao Tiến Trung - Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh băn khoăn.

Đại biểu Trần Thanh Thủy - Giám đốc VNPT Nghệ An phản ánh: Hàng năm số doanh nghiệp của địa phương đóng góp ngân sách là khoảng 30%  nhưng với mục tiêu đề ra của tỉnh đến năm 2020 toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp, tỷ lệ đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp địa phương lên 70%. Tỉnh cần tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp phát triển bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể để khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là khuyến khích lực lượng trong giới trẻ khởi nghiệp, góp phần vào tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh.

Cần có Nghị quyết về môi trường?    

Đại biểu Trần Xuân Quang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nghi Lộc nêu lên tình trạng đáng lo ngại tại bãi rác Nghi Yên. Đó là thực tế Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên là một dự án có quy mô lớn, hiện đại nhằm thay thế bãi rác thải Đông Vinh đã quá tải và nằm trong khu dân cư thành phố Vinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau vài năm đi vào sử dụng, lượng rác thải tập kết tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có dấu hiệu quá tải. Mặt khác, lượng nước rỉ rác sau khi được xử lý, xả ra môi trường còn có màu xanh đen, xuất hiện tình trạng rò rỉ. “Tỉnh cần quan tâm đến đánh giá tác động môi trường của bãi rác, dự báo tình hình 5 - 10 năm nữa, dự phòng khi mưa bão về bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường sông Cấm, môi trường du lịch biển Cửa Lò và một số bãi biển phục vụ du lịch ở các vùng phụ cận”, đại biểuTrần Xuân Quang lo lắng.

Dang Quang Hong

Đại biểu Đặng Quang Hồng - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu quan điểm: Vấn đề bảo vệ môi trường cần có tầm nhìn, chiến lược lâu dài; mới có nêu mục tiêu hướng tới nhưng chưa có chương trình hành động và các giải pháp thực hiện cụ thể. Có ý kiến nêu nên chăng HĐND tỉnh cần có Nghị quyết thực hiện các mục tiêu về môi trường?

Nhóm PVTS

TIN LIÊN QUAN