(Baonghean.vn) - Từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về người dân Quỳ Châu lại bắt đầu rộn ràng chuẩn bị các loại quà đặc sản của mình để tiêu thụ khắp mọi vùng miền.

images1792692_pt10.jpgHương trầm là một trong những sản phẩm đặc trưng tạo nên thương hiệu cho Quỳ Châu từ nhiều năm nay. Đây đang là cao điểm các gia đình tất bật chuẩn bị hương để kịp phục vụ cho Tết Nguyên đán. Sau khi cuốn, hương được đóng vào bao bì và cho đi tiêu thụ khắp nơi từ Hà Nội cho đến Sài Gòn, mỗi hộp hương trầm 30 nén có giá 40.000 đồng. Còn các loại hương khác có giá từ 4.000 - 10.000 đồng/thẻ… tùy các loại.
Nhắc đến Quỳ Châu chắc hẳn không ai không biết đến măng muối, một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình của bà con nơi đây. Mỗi lần đi ngang qua đây, du khách có thể dễ dàng bắt gặp măng muối được bày bán khắp nơi ở hai bên đường.
Măng được sơ chế sạch sẽ, luộc lên và sau đó muối cùng với tỏi ớt cùng các loại gia vị. Măng Quỳ Châu có vị đặc trưng, thanh ngọt và đậm đà có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/hũ. Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Châu Tiến cho biết, mỗi ngày bán được 10kg măng, nhưng gần tết tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường, chủ yếu xuất về miền xuôi và thành phố.
Không chỉ măng muối mà những hũ ớt ngâm đậm đà, cay nồng cũng tô thắm thêm sắc màu cho không khí rộn ràng đón Tết. Mỗi hũ có giá từ 50.000 - 80.000 tùy từng loại.
Những ngày sát tết, gia đình chị Nguyễn Thị Trinh tại khối 1, thị trấn Quỳ Châu bận rộn làm lạp xưởng để chuẩn bị đón tết. Mỗi ngày gia đình chị tiêu thụ hết 30kg thịt để làm lạp xưởng, chủ yếu là bán cho các gia đình trong huyện và tỉnh.
Lạp xưởng gác bếp là một trong những đặc sản miền núi, sự kết hợp của mùi nắng, hòa quyện với mùi gác bếp được hong 3 ngày 3 đêm, cộng thêm mùi gừng, rượu và mùi mắc mật cùng vị ngọt của thịt nạc và vị béo của mỡ được rất nhiều người yêu thích. Mỗi kg lạp xưởng có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.
Vào ngày tết chắc hẳn không thể thiếu được món thịt chua, được làm nhiều nhất tại các hộ gia đình ở xã Châu Tiến, Quỳ Châu… Món ăn này với nguyên liệu là thịt lợn tươi sống, ướp trong thính gạo để chín tự nhiên nên có hương vị chua dịu thơm ngon.
Thịt chua không chỉ phục vụ người dân tại địa phương, mà món ăn đặc sản này còn được nhiều người trong và ngoài huyện rất ưa chuộng. Mỗi gói thịt chua có trọng lượng 300g, có giá 40.000 đồng/gói. Trung bình mỗi ngày các hộ dân bán được từ 20kg -30kg thịt chua đi khắp các vùng miền.

 Phương Thúy

TIN LIÊN QUAN