Sự nhạy cảm xuất phát từ tình cảm yêu nước. Ngay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ động gặp gỡ báo chí, ông cũng hoan nghênh tinh thần, khí thế hết sức sôi nổi ấy và nhấn mạnh “Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước”.
Tuy nhiên, ở đây có vấn đề về phương pháp nhận thức. Trước hết, chúng ta phải khẳng định, đặc khu là vấn đề không mới trên thế giới cả về thành công và thất bại. Đối với Việt Nam “làm đặc khu” trong tính toán phát triển của đất nước đã được đặt trên bàn nghị sự Quốc hội như là một “xu thế tất yếu”.
Vấn đề chúng ta cần bàn có là “thiết kế đặc khu” ra sao để vừa đảm bảo tạo ra “cực tăng trưởng”, “động lực” mới cho sự phát triển của đất nước trong tương lai một cách bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam như chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trong 3 nơi dự định thành lập đặc khu, đặc biệt có ý nghĩa đối với đất nước với tầm nhìn dài hạn đấy chính là Bắc Vân Phong. Vì sao? Trên suốt chiều dài 3.260 km bờ biển Việt Nam có rất nhiều vũng, vịnh nhưng không đâu sánh bằng vịnh Vân Phong với một “tài nguyên” duy nhất thiên tạo tạo ra cho Việt Nam đấy chính là luồng hàng hải cho phép xây dựng cảng trung chuyển quốc tế đúng nghĩa cho đất nước. Không phải tự nhiên, lúc còn sống, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: Vân Phong là của để dành cho con cháu muôn đời sau.
Xin nhắc lại một chút, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trở nên vĩ đại, bắt đầu từ việc nhận ra vị trí để xây dựng Singapore thành một trung tâm Logistics trong khu vực, ngay sau khi Đảo quốc này được thành lập.
Tiến sỹ Chu Quang Thứ - nguyên quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chính là người đi tiên phong trong việc “thử nghiệm” ở Vân Phong. Ngày 3/5/2002, sau 2 tháng đi khảo sát, Cục Hàng hải Việt Nam đưa chuyến tàu dầu chuyển tải đầu tiên, tải trọng 100.000 DWT về Vân Phong. Chỉ 8 ngày làm hàng đã mang lại cho ngân sách Khánh Hòa 85 tỷ đồng, trong khi cả ngành du lịch địa phương này doanh thu một năm cũng chỉ được được 32 tỷ đồng.
Cứ thế, trong 7 tháng đầu năm 2002, ngân sách Khánh Hòa có thặng dư 400 tỷ để làm con đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang. Nếu Vân Phong, với vị thế nằm bên lề tuyến hàng hải quốc tế từ Đông say Tây, từ Nam lên Bắc được xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế thì thực sự sẽ là bước ngoặt mới của đất nước. Vấn đề là ai đầu tư? Trông chờ vào ngân sách, Vân Phong mãi mãi “ngủ” bên bờ đại dương.
Thời hạn khai thác, sử dụng của những công trình kết cấu hạ tầng cảng biển, hạ tầng logistics chỉ có thể được thực hiện bởi những tập đoàn tài chính quốc tế khổng lồ, đòi hỏi thời hạn sử dụng đất dài. Thực ra, khi “thiết kế” thời hạn thuê đất đối với từng dự án cụ thể với “công thức” cho thuê đất đến 99 năm, đã có tiền lệ ở các nước, tiêu biểu là Thái Lan, Malaysia, Dubai, Úc, đảo Bristish Virgin Island hay Cayman. Đó đều là những đặc khu rất thành công của thế giới.
Vấn đề còn lại là “kiểm soát” và loại bỏ được những nguy cơ tiềm ẩn từ những đối tác đe dọa đế độc lập chủ quyền của đất nước.
Đó chính là “giá trị bền vững” nhạy cảm nhất trong cảm quan chính trị của người Việt, được trải nghiệm qua hàng ngàn năm lịch sử. Tất nhiên, nếu thiết kế đặc khu, làm đặc khu chỉ với tư duy thông thường là kéo dài thời hạn thuê đất, miễn giảm hết các loại thuế cho nhà đầu tư như chúng ta đã thực hiện ở các khu kinh tế trải dài từ Bắc đến Nam mà hiện nay đã trở nên “kháng thuốc” dự báo sẽ thất bại.
Đặc khu kinh tế chúng ta đang thiết kế đi sau thế giới từ 20 - 30 năm, thời gian đủ để biến Hàn Quốc từ một đất nước bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một nước công nghiệp mới (NICs) lại ở trong môi trường cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên thế giới đòi hỏi phải có “tư duy 4.0”, chứ không phải dừng lại ở “tư duy 0.4”.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được xây dựng, và dù áp dụng các mô hình kinh tế khác nhau, thì sự bứt phá cần dựa vào kinh tế tri thức, với hàm lượng giá trị gia tăng và sự sáng tạo vượt trội, đến từ một khao khát đưa đất nước đi lên - điều đó mới bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, an ninh, an toàn./.