(Baonghean) Một thời gian trước, khi tổ chức các hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo Bác Hồ ở các cấp, dư luận cho rằng tỷ lệ đảng viên và quần chúng nhân dân chiếm tỷ lệ cao, gần như tuyệt đối trong danh sách các cá nhân được biểu dương, ít có hoặc không có cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Có nhiều lý do, trong đó lý do được nhắc đến nhiều là không ít cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cho rằng mình chưa hoặc không xứng đáng để biểu dương. Đã có những cơ quan báo chí đặt vấn đề về việc có hay không tình trạng cán bộ chủ chốt, người đứng đầu thoái thác, chối bỏ việc phải gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương của Bác, trong khi các nội dung xếp loại đảng viên, xếp loại chuyên môn, các danh hiệu khác thì vẫn ngầm nói vui với nhau là cứ “đường sữa trên xuống/cuốc xẻng dưới lên”. Tuy nhiên, đó là chuyện của một số năm trước...
Năm nay, Đảng ta triển khai việc đăng ký nội dung thực hiện nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp theo Quy định số 101-QĐ/T.Ư ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Có thể khẳng định, đây là điểm mới trong việc học tập và làm theo Bác. Trước đây Đảng đề ra học tập tư tưởng của Bác, tiếp đó là học tập và làm theo đạo đức của Bác, hiện nay chúng ta học tập và làm theo phong cách của Bác. Mặt khác, nếu những lần trước đối tượng học tập và làm theo Bác là toàn Đảng, toàn dân, thì lần này đối tượng được xác định cụ thể hơn, đó là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt.
Như vậy, có thể thấy rõ việc học tập và làm theo Bác ngày càng theo hướng cụ thể, thiết thực, gần hơn với nhiệm vụ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị. Đó là xác định được sự cần thiết phải chấn chỉnh sự suy thoái trong tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó đáng chú ý là đảng viên có chức quyền, người đứng đầu, nắm giữ tài sản lớn. Vì thế, đối tượng được hướng dẫn để đăng ký nội dung nêu gương trước hết là cán bộ giữ chức vụ, người đứng đầu. Nội dung đăng ký nêu gương cũng cần cụ thể, thiết thực, gắn với vai trò, vị trí, nhiệm vụ chính trị và chuyên môn hàng ngày, tức là cần phải đưa những nội dung cụ thể gắn với bản thân mình, với việc làm của mình, điều chỉnh trong phạm vi với những người mà mình tiếp xúc, tác động hoặc ảnh hưởng qua lại trong công việc hoặc trong sinh hoạt. Có thể thấy, đây là cách làm phù hợp với nguyện vọng và sự trông đợi của đảng viên và quần chúng nhân dân.
Nhân dân ta tin Đảng, theo Đảng, nhưng đó không phải là một niềm tin vô hình, chung chung, trái lại niềm tin đó thường rất cụ thể, có “địa chỉ” rõ ràng. Đó là tin vào mỗi cán bộ, đảng viên mà người dân gặp, tiếp xúc, làm việc, nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được, hình dung được... Niềm tin đó bắt nguồn từ mỗi hành vi, lời nói, ứng xử, việc làm của cán bộ, đảng viên, tiếp đến là các cơ chế, chính sách, chủ trương, phong trào của các tổ chức cơ sở đảng… Những việc làm đó, chủ trương đó, phong trào đó có đi đến thắng lợi, thành công hay không, có đi vào cuộc sống hay không, có giải quyết được vấn đề “ích nước - lợi dân” hiện tại và lâu dài hay không… Do đó, Đảng muốn tạo dựng được niềm tin vững chắc, bền chặt trong nhân dân thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải đăng ký nội dung nêu gương và thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với các hành vi, ứng xử, việc làm hàng ngày. Và việc đăng ký, thực hiện trách nhiệm nêu gương sẽ được kiểm tra, đánh giá trên cơ sở có thực sự quần chúng, dân chủ, nêu gương hay không, có vì quyền lợi của dân, phục vụ nhân dân hay không.
Chúng ta vẫn thường bắt gặp câu nói “lãnh đạo nào, phong trào ấy”, hoặc “cán bộ nào, phong trào ấy”, đó là sự đúc kết về vai trò, tầm quan trọng của người lãnh đạo, người cán bộ chủ chốt đối với các phong trào của tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành…, tùy thuộc theo vị trí công tác và sức lan tỏa của riêng mỗi người. Điều đó cũng nói lên rằng, tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo, người cán bộ chủ chốt đối với sự thành công hay thất bại của các phong trào là rất lớn. Nếu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đều là những người đăng ký nêu gương tốt, thực hiện trách nhiệm nêu gương tốt, nêu gương một cách cụ thể, thiết thực, thì ở đó chắc chắn người đó sẽ tạo được uy tín vững chắc, đoàn kết được trên dưới, đồng thuận được trong ngoài, sẽ tập hợp được lực lượng để đưa phong trào của cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển tốt. Còn nếu cán bộ, đảng viên, người đứng đầu không gương mẫu, không nêu gương, không nghiêm túc trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, nói một đường làm một nẻo, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở… thì rất khó để tạo dựng uy tín, xây dựng niềm tin, khó trở thành hạt nhân đoàn kết, đồng thuận, do đó sẽ khó thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, những lời căn dặn đó vẫn luôn có tính thời sự, trong bối cảnh hiện nay càng có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Mỗi tổ chức cơ sở đảng có thể đánh giá cán bộ “tốt hay kém” thông qua việc đăng ký nội dung nêu gương và thực hiện trách nhiệm nêu gương. Với cách làm như hiện nay, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành… chắc chắn không thể thoái thác được việc phải trở thành đối tượng gương mẫu, điển hình trong việc học tập và làm theo phong cách của Bác. Vì thế, đây cũng là cơ hội để đảng viên, quần chúng nhân dân giám sát, đánh giá cán bộ. Nếu làm được như thế, tin chắc rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực hơn, có sức lan tỏa sâu rộng hơn.
Đã đăng ký nêu gương, không thể thoái thác trách nhiệm!
Ngô Kiên